TT Trump nói với TNS McConnell: ‘Quá sớm để bỏ cuộc’
- Xuân Thành
- •
Tổng thống Donald Trump vào sáng thứ Tư 16/12 (giờ Mỹ) đã nhắn gửi tới Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell rằng còn “quá sớm để bỏ cuộc”. Tuyên bố của ông Trump đưa ra sau khi Thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ bang Kentucky đã phát biểu tại Thượng viện chúc mừng “Tổng thống đắc cử” Joe Biden.
“Mitch, 75.000.000 PHIẾU BẦU, kỷ lục đối với một Tổng thống đương nhiệm (rất nhiều)”, ông Trump viết trên Twitter nhắn gửi tới ông Mitch McConnell. “Quá sớm để bỏ cuộc. Đảng Cộng hòa cuối cùng phải học chiến đấu. Người dân đang tức giận!”
Trump's allies slam Mitch McConnell for congratulating Biden https://t.co/ak9nu6420L via @MailOnline. Mitch, 75,000,000 VOTES, a record for a sitting President (by a lot). Too soon to give up. Republican Party must finally learn to fight. People are angry!
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) December 16, 2020
Ông Trump viết bình luận nêu trên và dẫn kèm một đường dẫn đến bài báo của The Daily Mail nói về những đảng viên Đảng Cộng hòa rất giận dữ với ông McConnell sau phát biểu của ông ta tại Thượng viện.
Trong phát biểu tại Thượng viện hôm thứ Ba 15/12 (giờ Mỹ), Thượng nghị sĩ McConnell đã nói rằng “đất nước ta chính thức có tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử. Cử tri đoàn đã lên tiếng. Do đó, hôm nay tôi muốn chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden”.
Bình luận nêu trên của ông McConnell là lần đầu tiên vị Lãnh đạo Đa số Thượng viện gọi ông Biden là “tổng thống đắc cử”. Trước đó, ông McConnell chưa công nhận ông Biden thắng cử bởi vì Tổng thống Trump và các đồng minh của Đảng Cộng hòa vẫn đang tiếp tục cuộc chiến pháp lý tại ít nhất 6 bang chiến trường quan trọng, có thể đảo ngược kết quả bầu cử 2020.
Tờ New York Times hôm 15/12 đưa tin rằng ngay sau phát biểu của mình tại Thượng viện, ông McConnell và một số cấp phó của ông đã yêu cầu các đồng nghiệp tại Thượng viện không tham gia cùng các thành viên Hạ viện trong việc phản đối kết quả bầu cử khi Quốc hội tổ chức phiên họp hỗn hợp vào ngày 6/1 để chứng thực phiếu Cử tri đoàn. Bài báo của New York Times dựa trên thông tin từ ba người được cho là biết về cuộc trao đổi của ông McConnell và họ yêu cầu giấu tên do sự nhạy cảm của vấn đề.
Theo The Epoch Times, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham (bang Nam Carolina), Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune (bang Nam Dakota) và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roy Blunt (bang Missouri) là những người đã lên tiếng bác bỏ ý định tham gia vào kế hoạch phản đối phiếu Cử tri đoàn.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kelly Loeffler (bang Georgia) – người đang phải tham gia vào cuộc bầu cử thượng viện vòng hai vào ngày 5/1 – hôm 16/12 đã xác nhận rằng bà để ngỏ việc phản đối các phiếu đại cử tri trong cuộc họp Quốc hội hỗn hợp vào ngày 6/1.
Bên cạnh bà Loeffler, các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác như Josh Hawley (bang Missouri), Ron Johnson (bang Wisconsin), và Rand Paul (bang Kentucky) cũng nói rằng họ để ngỏ việc phản đối phiếu cử tri đoàn. Những phát ngôn viên của các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác, kể các thượng nghị sĩ đắc cử, chưa đưa ra phản hồi khi được truyền thông hỏi về việc họ có ý định tham gia vào việc phản đối phiếu cử tri đoàn hay không. Trong khi, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitt Romney (bang Utah) – một người chống Tổng thống Trump – đã khẳng định ông không ủng hộ nỗ lực đảo ngược phiếu cử tri đoàn.
Theo The Epoch Times, ít nhất đã có 4 Dân biểu xác nhận sẽ đưa ra ý kiến phản đối phiếu cử tri đoàn trong cuộc họp ngày 6/1.
Dân biểu đắc cử Marjorie Taylor Greene (bang Georgia) tuần trước đã nói với The Epoch Times: “Tôi sống cả đời tại Georgia và tôi biết sự thực rằng Georgia đã không bầu ông Joe Biden làm tổng thống. Chúng tôi đã tái bầu Tổng thống Trump”.
Cùng với bà Marjorie Taylor Greene, các dân biểu đắc cử Bob Good (bang Virginia), Barry Moore (bang Alabama) và Mo Brooks (bang Alabama) cũng nói rằng họ sẽ phản đối các phiếu đại cử tri.
Vào ngày 6/1 tới đây, Hạ viện và Thượng viện sẽ cùng họp để kiểm phiếu đại cử tri được gửi đến từ 50 bang và Đặc khu Columbia, nơi đặt thủ đô Washington DC.
Hôm thứ Hai (ngày 14/12) là ngày Đại cử tri đoàn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 nhóm họp để xác định xem nên bỏ phiếu cho ứng viên Donald Trump hay Joe Biden. Mặc dù các kênh truyền thông lớn thiên tả đồng loạt đưa tin rằng cuộc bỏ phiếu đại cử tri hôm thứ Hai đã chứng nhận ông Biden thắng, nhưng nhiều chính trị gia cấp cao của Mỹ, các chuyên gia bình luận thời sự v.v… đều tuyên bố rằng, ngày 14/12, ‘đại cử tri thay thế’ – đây là các cử tri của Đảng Cộng hòa – của 7 bang cũng tiến hành bỏ phiếu và họ bầu cho Tổng thống Trump. Động thái này đã gây ra một tình huống là có hai bộ phiếu bầu của đại cử tri hiếm gặp trong cuộc bầu cử tổng thống lần này.
Trước khi Cử tri đoàn nhóm họp, với số phiếu đại cử tri ở 44 bang được xác định và không có tranh chấp, Tổng thống Trump đã dẫn trước ông Biden 232 – 227. Sáu bang chiến trường còn lại là Wisconsin (10 phiếu), Michigan (16 phiếu), Pennsylvania (20 phiếu), Georgia (16 phiếu), Arizona (11 phiếu) và Nevada (6 phiếu), tổng cộng 79 phiếu đại cử tri. Ngoài 6 bang chiến trường ra, còn có bang New Mexico (5 phiếu), các đại cử tri Đảng Cộng hòa cũng tiến hành bỏ phiếu ủng hộ ông Trump, từ đó khiến Tổng thống Trump có thể có 316 phiếu bầu.
Các phương tiện truyền thông cánh tả và các chuyên gia luôn nhấn mạnh rằng sau khi các cử tri bỏ phiếu, kết quả không thể thay đổi. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu ‘đại cử tri thay thế’ đã duy trì sự khả thi của cuộc chiến pháp lý và thách thức kết quả vẫn đang diễn ra. Nói một cách khác, nó nhằm bảo vệ “biện pháp khắc phục” (remedy) trong trường hợp kết quả phiếu đầu đại cử tri bị đảo ngược trong cuộc chiến thách thức kết quả từ đây cho đến ngày 6/1 hoặc có thể kéo dài đến 20/1.
Trong phiên họp Quốc hội hỗn hợp hôm 6/1, các nhà lập pháp có thể đệ trình phản đối các phiếu đại cử tri. Những phản đối này phải được gửi bằng văn bản và ít nhất có một Dân biểu và một Thượng nghị sĩ ký tên. Nếu điều đó xảy ra, các nhà lập pháp tại hai viện sẽ tổ chức họp riêng để đánh giá các lý lẽ của đơn phản đối hoặc nhiều đơn phản đối.
Hai viện sau đó sẽ bỏ phiếu riêng rẽ về kiến nghị phản đối phiếu cử tri đoàn. Nếu đa số trong mỗi viện bỏ phiếu ủng hộ phản đối, thì kiến nghị phản đối có hiệu lực và các phiếu đại cử tri bị vô hiệu hóa.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Mitch McConnell Gian lận bầu cử bầu cử Mỹ 2020 Dòng sự kiện