Twitter gỡ 300.000 bài liên quan bầu cử, gắn nhãn hơn 50 tweet của TT. Trump
- Tuyết Mai
- •
Ngày 17/11, giám đốc điều hành của Facebook và Twitter tiếp tục có buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ vì những cáo buộc liên quan đến “thiên vị chính trị” chỉ ba tuần sau buổi điều trần về kiểm duyệt nội dung. Buổi điều trần này được đặt tên là “Tin nóng: Kiểm duyệt, bãi bỏ và cuộc bầu cử 2020″.
Ông chủ Dorsey của Twitter cho biết đã gỡ bỏ khoảng 300.000 tweet liên quan đến bầu cử trong khoảng thời gian từ ngày 27/10 đến 11/11, tương đương với 0,2% tổng số các tweet liên quan đến bầu cử trên hệ thống. Twitter cũng đã gán nhãn hạn chế hoặc gỡ bỏ hơn 50 tweet của Tổng thống Trump kể từ Ngày bầu cử (3/11).
Trước đó, tờ Breitbart News báo cáo rằng Twitter đã thêm cửa sổ xác minh tính xác thực (fact check click-through windows) vào một số bài đăng trên Twitter cá nhân của Tổng thống Trump, nhằm ngăn cản người dùng nhìn thấy chúng trên dòng thời gian của họ và vô hiệu hóa việc phản hồi các tweet. Người dùng Twitter cũng không thể trả lời tweet, yêu thích hay chia sẻ nó. Nhiều người đã phải dùng đến việc đăng ảnh chụp màn hình của tweet để chia sẻ nó cho những người theo dõi.
Từ động thái của Facebook và Twitter, bà Samantha Zager, phó thư ký truyền thông trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump cho biết trước đó rằng: “Mafia ở Thung lũng Silicon tiếp tục can thiệp vào cuộc bầu cử, liên tục kiểm duyệt Tổng thống Trump và những người thuộc đảng Cộng hoà.” Trước đó, Facebook đã gỡ nội dung quảng cáo có trong chiến dịch tranh tranh cử của Tổng thống Trump vì cho rằng điều này đã vi phạm đến chính sách mới của mình.
Trong phiên điều trần vào tháng 10, các nhà lập pháp đã đưa ra vấn đề Twitter và Facebook ngăn chặn sự phát tán vụ “bê bối ổ cứng nhà Biden“, khóa tài khoản của The New York Post, kênh truyền thông đầu tiên đăng thông tin về vụ việc, và khóa tài khoản của nhiều người khác vì chia sẻ lại thông tin này. Thông tin trong ổ cứng bao gồm nhiều email, tin nhắn, video và hình ảnh, v.v… cho thấy gia tộc nhà ứng cử viên Joe Biden đã dựa vào địa vị chính trị trước kia của ông trục lợi làm ăn với các đối tác Ukraine và Trung Quốc, cũng như đời sống sa đọa hút hít và phóng túng tính dục của con trai ông là Hunter Biden. Sau buổi điều trần đó, cả hai nền tảng mạng xã hội mới cho phép các tin tức liên quan đến vụ việc được lan truyền. Động thái này của Facebook và Twitter khiến các đảng viên Cộng hòa cảm thấy phẫn nộ. Họ cho rằng hai ‘ông lớn’ công nghệ đã thiên vị và bao che cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden và con trai Hunter của ông ta.
Buổi điều trần ngày 17/11 cũng nhắc lại một phần nội dung tương tự như buổi điều trần trước đó vào tháng 10 tại Ủy ban Thương mại Thượng viện nhưng từ góc độ hậu bầu cử, bao gồm cả việc Điều 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông năm 1996 có thể sẽ đối mặt với việc bị cải cách.
Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Stephen E.Boyd đã gửi một lá thư cho các lãnh đạo Quốc hội hôm 27/10, lặp lại sự khẩn cấp thi hành cải cách đối với Điều 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông năm 1996, đồng thời trích dẫn việc các nền tảng mạng xã hội đã chặn một loạt bài báo gần đây của tờ New York Post liên quan đến bê bối của Hunter Biden, và sự liên quan của cựu phó Tổng thống Joe Biden với các giao dịch kinh doanh mờ ám.
“Các sự kiện trong những ngày gần đây khiến việc cải tổ càng trở nên cấp bách hơn,” ông Boyd viết. “Những nền tảng trực tuyến khổng lồ ngày nay có quyền lực to lớn đối với việc tiếp cận thông tin và bày tỏ quan điểm đối với người Mỹ. Vì thế, điều quan trọng là họ phải thành thật và minh bạch với người dùng về cách họ sử dụng sức mạnh đó. Và khi họ không làm thế, việc họ có thể phải chịu trách nhiệm là tất yếu.”
Điều 230 chủ yếu đưa ra các miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho nền tảng trực tuyến đối với nội dung bài đăng của người dùng, dù họ có thể phải chịu trách nhiệm đối với nội dung vi phạm luật chống buôn người làm nô lệ tình dục hoặc luật sở hữu trí tuệ.
Luật cho phép các công ty chặn hoặc lọc nội dung nếu họ coi nó là “tục tĩu, khiêu dâm, dâm ô, thô tục, bạo lực, quấy rối hay phản cảm.” Tuy nhiên, các biện pháp này không được áp dụng nếu các mạng này hoạt động giống các nhà xuất bản hơn là các nền tảng trực tuyến (tức có thể gắn nhãn ‘kiểm chứng thông tin’ vào các bài đăng hoặc xoá bài đăng), Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói trong một bài phát biểu hồi tháng Năm.
Trong khi Tổng thống Trump kêu gọi hủy bỏ Điều 230 vì nó bảo vệ các mạng xã hội khỏi việc kiểm duyệt người dùng một cách sai trái, thì ứng cử viên Joe Biden cũng kêu gọi điều tương tự với lý do trái ngược. Ông và Đảng Dân chủ cho rằng các mạng xã hội nên phải chịu trách nhiệm vì không kiểm duyệt đủ nội dung có thể gây hại.
Hồi tháng 5 vừa qua, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ xem xét các bước để chặn Twitter trước những hành vi “kiểm duyệt” của nền tảng này. “Tôi nghĩ nếu Twitter không còn đáng nhận được tôn trọng, nếu chúng ta đang bị một ứng dụng như thế này làm ‘thẩm phán’ và ‘bồi thẩm đoàn’ của mình, thì tôi nghĩ chúng ta cần chặn nó, nhưng tôi phải trải qua một quy trình pháp lý để làm điều này,” ông Trump cho hay.
Cả Zuckerberg và Dorsey đã đề nghị từ đợt điều trần hồi tháng 10 và lần này rằng, họ sẵn sàng với việc sửa đổi Điều 230 của Quốc hội. Những thay đổi có thể bao gồm việc yêu cầu các mạng xã hội phải có những ban giám sát để người dùng có thể khiếu nại các quyết định kiểm duyệt và cập nhật thuật toán để tăng độ minh bạch.
Ngày 28/10 năm nay, tờ Epoch Times (Mỹ) tiết lộ rằng, Facebook đã thuê 6 kỹ sư Trung Quốc để tiến hành kiểm duyệt, chỉ cần thấy tuyên bố chỉ trích ĐCSTQ hoặc ca ngợi phe bảo thủ là lập tức xóa bỏ, chính vì vậy mà có ví von là “Facebook Đỏ”.
Mới đây, một ứng dụng truyền thông xã hội được xem là giải pháp cho vấn đề tự do ngôn luận thay thế Twitter đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất của Apple Store, sau nhiều bê bối liên quan đến hành vi “kiểm duyệt” thông tin về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 của nhóm các hãng công nghệ lớn. Mạng xã hội Parler chính thức ra mắt vào năm 2018 và nhanh chóng thu hút được hàng triệu người theo dõi kể từ thời điểm đó, một số trong số này là những người từng bị cấm trên Twitter hoặc từ bỏ ứng dụng mạng xã hội này bởi các dòng tweet của họ bị “kiểm duyệt”. Khoảng một tuần sau cuộc bầu cử, nền tảng này đã dẫn đầu bảng xếp hạng các ứng dụng được tải nhiều nhất trong kho ứng dụng Apple Store.
Tuyết Mai (t/h)
https://trithucvn2.net/the-gioi/tran-chien-giua-nhung-dua-con-cua-anh-sang-va-cua-bong-toi.html
Xem thêm:
Từ khóa Twitter Kiểm duyệt thông tin Bầu cử Mỹ Phiên điều trần Jack Dorsey Facebook Mark Zuckerberg