ASEAN sắp họp để thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và nhiều khả năng sẽ không đề cập đến Quần đảo Hoàng Sa. Theo phân tích của tạp chí Forbes, đó sẽ là viễn cảnh tệ hại nhất đối với quá trình đòi lại chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Trung Quốc cho xây dựng các công trình quân, dân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (ảnh: Amusingplanet.com)
Trung Quốc cho xây dựng các công trình quân, dân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (ảnh: Amusingplanet.com)

Tuần này, các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á) đang họp tại Philippine, có thể trọng tâm các cuộc thảo luận là về giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.

Bốn nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền tại các hòn đảo và vùng nước giàu tài nguyên trên Biển Đông. Trong khi, Trung Quốc cho rằng toàn bộ diện tích  3,5 triệu km2 vùng biển này đều nằm dưới quyền kiểm soát của họ.

Sau nhiều năm thảo luận, trong cuộc họp lần này các nước ASEAN mong muốn có thể chốt đưa ra Quy tắc Ứng xử (COC) vào tháng 6 tới, sau đó sẽ rà soát lại lần nữa vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2018 trước khi áp dụng chính thức.

COC là một bộ các quy tắc ràng buộc nhằm mục đích giảm các rủi ro khi các bên hành xử trong vùng biển tranh chấp. Các bên liên quan đều né tránh không thảo luận sâu thêm về COC suốt từ khi họ ký kết vào Tuyên bố Ứng xử (DOC) năm 2002 nhằm khởi động đàm phán COC toàn diện.

Theo đánh giá của Tạp chí Fobes, nếu COC được thông qua lần này, bên chịu thua thiệt nhất sẽ là Việt Nam.

Việt Nam, với tư cách là thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền Biển Đông sẽ muốn có một quy tắc ứng xử hoặc bất kỳ một văn kiện liên quan nào đó phải bao gồm Quần đảo Hoàng Sa. Nhưng Trung Quốc không đồng ý điều này. Bắc Kinh đã kiểm soát toàn bộ 130 đảo nhỏ trong Quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Tây Nam HongKong từ năm 1974. Khi đó, chiến tranh Việt Nam đang leo thang căng thẳng với sự thất thế của chính quyền miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), Trung Quốc đã thực hiện một trận đánh chớp nhoáng chiếm toàn bộ Quần đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa. Hiện tại, Cộng hòa XHCN Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền trên Quần đảo Hoàng Sa, nhưng đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát trên thực chất.

Chính vì đã hoàn toàn kiểm soát Quần đảo Hoàng Sa nên Trung Quốc dùng mọi biện pháp để ngăn cản không cho tàu thuyền Việt Nam hoặc bất cứ nước nào khác đến gần quần đảo này. Nếu COC đề cập tới Quần đảo Hoàng Sa tức sẽ có hàm ý rằng một quốc gia khác có thể tiếp cận các rạn đá ngầm, đảo san hô và các vùng nước xung quanh quần đảo. Do đó, Trung Quốc nhất quyết phản đối COC nhắc tới Quần đảo Hoàng Sa và thực tế suốt 6 năm qua nước này vẫn tìm cách ngăn cản ASEAN thông qua COC vì lo sợ rằng sẽ làm ảnh hưởng đến sự kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông.

Việt Nam cùng 3 thành viên ASEAN khác và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền của mình và đang chia sẻ kiểm soát trên các đảo nhỏ tại một quần đảo khác ở Biển Đông, quần đảo Trường Sa. Các nước đều đang cho thăm dò tìm kiếm tài nguyên khoáng sản như khí và dầu mỏ dưới đáy biển ở khu vực đảo do mình kiểm soát.

Đặc thù ở Trường Sa là nhiều nước cùng kiểm soát, nên nếu Trung Quốc không muốn thông qua một quy tắc ứng xử chung cho việc di chuyển an toàn trong vùng biển này, họ cũng sẽ gặp nhiều nguy cơ rủi ro tương tự như các nước khác.

Giáo sư chính trị học Carl Thayer của Đại học New South Wales, Úc cho biết: “Không ai có thể buộc Trung Quốc rút khỏi Hoàng Sa. Điều khả dĩ nhất chúng ta có thể hy vọng là Việt Nam sẽ dùng biện pháp tài phán, chẳng hạn như kiến nghị lên Tòa Trọng tài Thế giới The Hague”.

Việt Nam đang cố gắng có mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc bất chấp hai nước có hàng loạt các tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và biển đảo hàng nhiều thế kỷ qua.

Tâm lý chống Trung Quốc vẫn còn rất cao trong đa số người dân Việt Nam. Nhưng chính quyền Hà Nội vẫn đang đàm phán song phương với Bắc Kinh về vấn đề lãnh thổ trên biển bên ngoài khuôn khổ ASEAN và vẫn hưởng những lợi ích kinh tế như nhập khẩu giá rẻ và số lượng lớn khách du lịch Trung Quốc.

Cho dù, giờ đây Trung Quốc có thể tạm làm yên lòng các nước ASEAN có yêu sách chủ quyền trên biển bằng cách hỗ trợ và đầu tư. Nhưng, có thể cuối cùng họ vẫn sẽ phải đối mặt với sức ép từ chính phủ Hoa Kỳ vì những hành động quá mức của mình. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Bắc Kinh đã liên tục mở rộng kiểm soát biển, bao gồm cả việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo sẵn sàng lắp đặt hệ thống radar và các hạ tầng quân sự, máy bay chiến đấu.

Việt Nam và các nước thành viên ASEAN đang có 4 ngày họp tại Philippines, kết thúc vào thứ Bảy 29/4, có lẽ sẽ không đưa vấn đề Hoàng Sa vào COC, ngay cả khi Việt Nam cố gắng thuyết phục. Các nước kiên định ủng hộ Trung Quốc có Cambodia và Lào, ngay cả nước Chủ tịch ASEAN năm nay là Philippines cũng sẽ bỏ qua tranh chấp biển để ủng hộ Trung Quốc. ASEAN là một tập thể luôn theo đuổi sự đồng thuận toàn bộ và không muốn gây rạn nứt nội khối, cũng như với các nước bên ngoài.

COC mà không có điều khoản đề cập tới Quần đảo Hoàng Sa sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng nhiều hơn đến quần đảo này, nơi mà Bắc Kinh đang xây dựng một thành phố nhỏ, cùng nhiều cơ sở hạ tầng quân sự.

Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu về an ninh hàng hải tại Đại học Kỹ thuật Nanyang ở Singapore, cho biết: “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ muốn có điều đó trong quy tắc ứng xử, bởi vì tôi nghĩ rằng đối với Trung Quốc Hoàng Sa là một vấn đề song phương giữa nước này và Việt Nam, và tôi thậm chí còn thấy rằng một số quốc gia ASEAN có thể cũng không muốn đề cập tới Hoàng Sa trong COC bởi vì họ biết đó là một yếu tố phức tạp không cần thiết”.

Xuân Thành/ theo Forbes

Xem thêm: