UBND TP. Cần Thơ đưa ra phương án sử dụng 2.558 trụ sở từ tổng số 2.811 trụ sở hiện có của Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng.

255 tru so doi du khi sap nhap can tho voi hau giang soc trang
Một góc TP. Cần Thơ. (Ảnh: cantho.gov.vn)

Ngày 14/4, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh (Đề án) gửi UBND tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.

Theo dự thảo, TP. Cần Thơ sáp nhập với tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng, lấy tên là TP. Cần Thơ. Trung tâm chính trị – hành chính đặt tại TP. Cần Thơ hiện nay.

Ba địa phương có tổng số 2.811 trụ sở, phương án sắp xếp là sử dụng 2.558 trụ sở cho đơn vị hành chính mới, dôi dư 255 trụ sở (trong đó Cần Thơ dôi dư 143 trụ sở, Hậu Giang là 110 trụ sở và Sóc Trăng 2 trụ sở).

Dự kiến sau khi sáp nhập, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh này hiện có là 61.177 người.

Đề án đưa ra phương án bố trí, giải quyết cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sáp nhập có 624 người nghỉ hưu theo chế độ; tinh giản biên chế hoặc thôi việc đối với 1.212 cán bộ, công chức, viên chức; điều động, bố trí nội bộ 36.680 người.

TP. Cần Thơ hiện là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên trên 1.440 km2; dân số hơn 1,3 triệu người, gồm 9 quận, huyện.

Tỉnh Sóc Trăng có diện tích hơn 3.298 km2, dân số trên 1,6 triệu người, 11 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh Hậu Giang rộng trên 1.662 km2, với gần 1 triệu dân.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, có 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.

52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành. Như vậy, Việt Nam sẽ còn 34 tỉnh thành, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Minh Long