Trong dự án gần nhất 14 tỷ đồng, núi Van Cà Vãi (huyện Sơn Hà) được thi công theo hướng “cạo trọc”, bóc hết lớp đất đá mềm, phủ bê tông dày 15cm…  Dự án được thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ngãi sau khi 2/5 hộ dân không đồng ý với phương án tái định cư.

3 nam chi 17 ty dong de phu be tong chong sat lo
Một nửa quả núi Van Cà Vãi sau khi bị bạt, giật cấp taluy dương, tạo rãnh thu nước từ trên đỉnh xuống chân. (Ảnh: quangngaitv.vn)

Theo tin từ Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ngãi, trong buổi kiểm tra thực tế vào sáng ngày 17/9 do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang dẫn đầu lãnh đạo các sở, ngàn, dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở Khu dân cư Van Cà Vãi đã hoàn thành hơn 23% khối lượng theo giá trị hợp đồng.

Nếu tính theo kế hoạch thi công – khởi công vào ngày 15/7, hoàn thành trước ngày 31/10 – thì tiến độ trên bị xem là chậm.

Tại thời điểm này, một nửa núi Van Cà Vãi đã được thi công bóc hết thảm thực vật, đào đất, tạo 9 mái cơ từ đỉnh xuống chân núi, tạo các rãnh thu nước từ đỉnh xuống chân núi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Anh Quang cho hay về phương án kỹ thuật, sau khi “giật cơ” thành 9 cấp, sẽ bóc hết lớp đất đá yếu (khoảng 40.000m3) cho đến khi xuất hiện lớp đất sỏi đá bên trong, phủ bê tông chống thấm nước dày 15cm trên các mặt cơ để chống sạt lở, theo báo Pháp Luật Việt Nam.

Dự án khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở khu dân cư Van Cà Vãi có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư, để đảm bảo an toàn cho 5 hộ dân với 24 nhân khẩu dưới chân núi và tuyến đường DH77.

Mối nguy sạt lở ở Van Cà Vãi được phát hiện lần đầu vào năm 2013. Đầu 2021, núi Van Cà Vãi bị sạt lở. Tháng 6/2021, huyện Sơn Hà đầu tư 3 tỷ đồng để thi công khẩn cấp chống sạt lở. Dự án thi công từ ngày 19/6/2021 – ngày 30/10/2022, do Phòng NN&PTNT huyện làm chủ đầu tư. Ngày 4/9/2023, công trình được UBND huyện phê duyệt quyết toán hoàn thành. Cuối 2023, Chủ tịch UBND huyện có quyết định bàn giao công trình thi công khẩn cấp chống sạt lở núi Van Cà Vãi cho UBND thị trấn Di Lăng quản lý.

Tuy nhiên, ngay trong mùa mưa năm 2023, núi Van Cà Vãi tiếp tục sạt lở, 5 hộ dân sống dưới chân núi phải tháo chạy trong đêm. Vì vậy, năm 2024, huyện Sơn Hà cho thi công dự án chống sạt lở 14 tỷ đồng sau khi được chính quyền tỉnh cấp vốn.

Chống sạt lở nhưng “chưa dám khẳng định điều gì”

Lý giải cho việc chọn chi tổng cộng 17 tỷ đồng để bạt núi phủ bê tông chống sạt lở, thay vì di dời 5 hộ dân (24 nhân khẩu) sống dưới chân núi, Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Anh Quang cho hay dân không chịu về ở nơi tái định cư do chỉ có 100m2 đất, và diện di dời do sạt lở thì không được đền bù về nhà, đất.

Qua nhiều cuộc họp, chính quyền tỉnh chủ trương không thực hiện tái định cư, chỉ gia cố chống sạt lở núi Van Cà Vãi.

Do địa hình, địa chất nơi đây phức tạp, các đơn vị tư vấn thiết kế không tham gia. Sau đó, chính quyền địa phương nhờ một giảng viên Trường đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đi kiểm tra hiện trường, xem thiết kế, tìm hiểu địa hình, địa chất…, phát hiện các vị trí đất yếu, đất cứng không đồng nhất… Đến khi bắt đầu thi công, phải thay đổi toàn bộ thiết kế, từ tái định cư kết hợp chống sạt lở, chuyển sang gia cố mạnh, chống sạt lở… Nhiều khó khăn dẫn đến chậm trễ thi công dự án.

Phương án thi công là giật cơ mái taluy thành 9 cấp, bóc hết lớp đất đá yếu với khoảng 40.000 m3 cho đến khi xuất hiện lớp đất sỏi đá bên trong. Phur bê tông chống thấm nước dày 15cm trên các mặt cơ.

Theo báo Tuổi Trẻ, khảo sát cho thấy chiều cao (tính theo phương dựng đứng) từ chân núi lên tới đỉnh khoảng 54m. Ngoài 9 bậc mái cơ nằm hạ độ cao và phủ bê tông, chân núi được rọ đá (cao 8m, rộng 8m, dài 160m) và kè đá hộc dưới chân rọ đá để chống sạt lở.

Tại buổi kiểm tra thực địa hôm 17/9 của Chủ tịch tỉnh, đơn vị thi công cho hay khó khăn lớn nhất là phạm vi thi công có địa hình độ dốc lớn, khi thi công gặp mưa liên tục.

Ngoài ra, trên đỉnh núi có trụ điện 110KV nằm trong bán kính xử lý gia cố chống sạt lở – theo kết luận của Cục Quản lý Đê điều & Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), nhưng tới nay chưa có biện pháp di dời. Theo đó, hiện trạng khu vực thi công – trên đỉnh núi là trụ điện 110KV, dưới chân núi là 5 nhà dân đang sinh sống – gây khó khăn cho việc thi công khi sạt lở có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào.

Trả lời câu hỏi liệu người dân đã an toàn, an tâm sau khi dự án được gia cố, khắc phục sạt lở, ông Quang cho rằng, việc khắc phục sạt lở núi là phương án tối ưu, “nhưng do địa hình, địa chất phức tạp nên chưa dám khẳng định điều gì và đó vẫn là điều lo âu của địa phương”, báo Pháp Luật Việt Nam dẫn lời.

2/5 hộ dân không đồng ý di dời

Chị Đinh Thị Thẻo, một trong 5 hộ dân dưới chân núi Van Cà Vãi, nói mong muốn được di dời đến nơi khác an toàn. Sau hai lần bị núi Van Cà Vãi sạt lở, bếp, chuồng gia súc, nhà vệ sinh nhà chị bị đất đá đè đổ sập. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương lấy ý kiến thì có 2/5 hộ dân không đồng ý di dời, theo báo Tiền Phong.

Núi tiếp tục bị nứt, sạt lở

Vẫn tại huyện Sơn Hà, một điểm sạt lở mới vừa xuất hiện tại núi Mang Kà Muồng (xã Sơn Bao). Theo Cổng thông tin huyện Sơn Hà, tại thời điểm kiểm tra cuối tháng 9, các vết nứt đất dài khoảng 60 m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2 m. Dưới chân núi Mang Kà Muồng, đất, đá đã sạt xuống khu đất trồng keo 2 năm tuổi của các hộ dân.

Phía dưới chân núi là 4 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu, điểm trường mầm non Hướng Dương (1 cô giáo và 27 trẻ), nhà văn hóa thôn.

Vùng sạt lở có thể gây ảnh hưởng đến nhà ở của 5 hộ dân sống lân cận, 5.000 m2 đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và rừng keo trồng; gây tắc nghẽn tuyến đường ĐH77 nối dài đi hồ chứa nước Nước Trong, ảnh hưởng đến đời sống của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, Nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7, điểm Trường tiểu học Sơn Bao.

Hiện UBND xã Sơn Bao cho sơ tán điểm trường mẫu giáo (mượn nơi khác để dạy-học), đặt biển cảnh báo nguy hiểm, rào lưới B40 để hạn chế đá lớn lăn ra đường.

Nguyễn Quân