Bờ kè 4,2 tỷ sạt lở như động đất tại Thừa Thiên Huế
- Nguyễn Sơn
- •
Được đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng để khắc phục hư hỏng nhưng chỉ sau hơn 1 năm hoàn thành, mái taluy dương đường ven biển Cảnh Dương (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) lại sạt lở nghiêm trọng, bê tông mái kè, bậc nước cùng hàng chục ngàn m3 đất đổ ập.
Theo ghi nhận vào đầu tháng 12, mái taluy dương tại lý trình Km1+920 – Km2+200 thuộc Tuyến số 2 đường ven biển Cảnh Dương thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
Vào cuối năm 2018, Công ty TNHH Phúc Tài (trụ sở tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) triển khai thi công Gói thầu số 06 – “Khắc phục sạt lở mái taluy dương tuyến 2 đường ven biển Cảnh Dương” (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) sau khi trúng thầu với giá áp sát 4.284.733.000 đồng/4.296.132.000 đồng (thấp hơn giá mời thầu 11 triệu đồng).
Dự án do Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế làm chủ đầu tư.
Công trình được hoàn thiện vào giữa năm 2019. Hơn một năm sau, đêm 30/11 (sau 3 ngày mưa lớn), một góc núi cùng toàn bộ đất đá, bê tông mái kè, bậc nước, tấm lát mái bê tông xi măng bị sạt lở, trôi tràn xuống lòng đường, chia cắt đường vào Khu du lịch Laguna. Phạm vi khối đất đá tràn lấp xuống đường dài khoảng 50m, chiều cao khoảng 20m.
Ngoài ra, trên hệ thống mái taluy còn lại xuất hiện các vết nứt lớn rộng khoảng 50cm, tạo thành cung trượt đứt gãy kết cấu của nền đất mái kè khoảng 10.000m3, có khả năng sẽ tiếp tục sạt lở gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua tuyến đường, đặc biệt là khách ra vào khu du lịch.
Chính quyền tỉnh này cho biết trước mắt sử dụng 300 rọ và 2 cuộn vải địa, làm tường chắn tạm thời bằng rọ đá xếp dọc theo chân mái kè taluy, dài khoảng 300m để ngăn chặn phần đất đá mái taluy tiếp tục sạt lở; thu dọn đất đá, thông tuyến tạm thời. Phương án xử lý lâu dài tại điểm sạt lở hiện chưa được công bố.
Ban Quản lý Khu kinh tế – Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng là chủ đầu tư dự án công trình “Đường phía Đông đầm Lập An” (huyện Phú Lộc). Tổng chiều dài các tuyến đường là 3,4km với tổng mức đầu tư 172 tỷ đồng (chi phí xây dựng 110 tỷ đồng), tương đương hơn 50 tỷ đồng mỗi km. Khi bão số 13 gây ảnh hưởng (không trực tiếp đổ bộ vào Thừa Thiên Huế), công trình này đã thi công được 60% khối lượng nhưng nhiều điểm, nền đường nát vụn, tất cả các thành phần (lan can, lề đường, mái taluy) đều bị hư hỏng ngoài sức tưởng tượng.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Thừa Thiên - Huế Sạt lở núi