Trong hơn nửa tháng kể từ khi bị phát hiện sản xuất hàng nghìn tấn giá đỗ ngâm hóa chất kích thích, 6 cơ sở tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vẫn tiếp tục làm giá đỗ, do không có lệnh cấm. 

6 co so san xuat gia do ngam hoa chat bi tam dung hoat dong
Ông Lâm Văn Đạo bên cạnh các can “nước kẹo” cất trong góc khuất của cơ sở làm giá sạch. (Ảnh chụp màn hình/An ninh trật tự Đắk Lắk/Youtube)

Ngày 3/1, ông Trần Đức Nhật, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã ký quyết định tạm đình chỉ 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất kích thích tăng trưởng 6- Benzylaminopurine, thu lợi bất chính.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, 6 cơ sở bị tạm dừng hoạt động do đang trong thời gian công an điều tra vụ việc hàng nghìn tấn giá đỗ bị ngâm hóa chất độc hại. Chính quyền thành phố giao cho các xã, phường trách nhiệm giám sát, theo dõi việc tạm dừng sản xuất của 6 cơ sở này.

Đồng thời, UBND TP. Buôn Ma Thuột  chỉ đạo cơ quan chức năng thành phố tăng cường kiểm tra những cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử nghiêm và truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu xã, phường.

Ngày 26/12, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk công bố ngày 15/12 đã đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại TP. Buôn Ma Thuột,, gồm 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú xã Ea Tu); 2 cơ sở của Vũ Duy Tư (SN 1991); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988, cùng ở phường Tân Hòa).

Chủ các cơ sở khai nhận trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng một loại chất lỏng không màu (gọi lóng là “nước kẹo”) – mua từ TP.HCM – để làm giá đỗ mọc nhanh, thân mập. Lực lượng chức năng xác định đây là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, là chất kích thích tăng trưởng tế bào,  không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài, hóa chất này có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, nếu ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Công an tỉnh Đắk Lắk thu giữ tổng cộng 20.357kg giá đỗ đã bị ngâm trong hoạt chất (giá bán ra khoảng 400 triệu đồng); 37 can nhựa chứa 135 lít hoạt chất nói trên (ước tính sẽ tạo ra khoảng 675 tấn giá đỗ thành phẩm với giá bán khoảng 18,7 tỷ đồng).

Các chủ cơ sở nói trên khai nhận trong năm 2024 đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine. Trong đó, Công ty TNHH thương mại Lâm Đạo do Lâm Văn Đạo làm chủ đã ký hợp đồng với Bách Hóa Xanh, cung cấp từ 350-400 kg/ngày.

Theo báo cáo công bố ngày 1/1 do Sở NN-PTNT gửi Bộ NN-PTNT về vụ việc, sau khi có thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can là chủ 6 cơ sở nói trên, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đến làm việc tại các cơ sở làm giá đỗ và hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh.

Tại thời điểm đoàn đến làm việc, 6 cơ sở giá đỗ này vẫn đang hoạt động bình thường, sản lượng ít hơn so với những ngày chưa bị cơ quan công an kiểm tra. Có cơ sở bán 1,5 tấn/ngày (trước khi bị công an kiểm tra là 2 tấn/ngày), có cơ sở bán 200 – 300 kg/ngày (trước đó là 400 – 500 kg/ngày).

Đại diện các cơ sở khai báo cả 4 chủ cơ sở đều đã bị tạm giam nhưng cơ quan công an không yêu cầu ngừng hoạt động nên cơ sở vẫn tiếp tục sản xuất và phải ký cam kết không được sử dụng chất cấm.

gia do ngam chat cam 1
Giá đỗ “sạch” thương hiệu Lâm Đạo được bán trong Bách Hóa Xanh. (Ảnh: dẫn qua Beatvn/Facebook)

Đoàn cũng đã làm việc với cửa hàng Bách Hóa Xanh. Đơn vị này cho biết bắt đầu nhập sản phẩm giá đỗ của cơ sở Lâm Đạo từ ngày 2/5/2024 với sản lượng bình quân 300 – 400 kg/ngày. Sau khi biết thông tin giá đỗ bị nhiễm hóa chất cấm, Bách Hóa Xanh đã ngưng bán và thu hồi sản phẩm, tiêu hủy tại chỗ 343 kg.

Đối với yêu cầu triệu hồi, do ngay tại thời điểm lực lượng công an kiểm tra đã tiến hành tịch thu toàn bộ sản phẩm giá đỗ có chứa hóa chất cấm cùng các can đựng hóa chất tại các cơ sở làm tang vật; các cửa hàng Bách Hóa Xanh cũng đã thu hồi, tiêu hủy và ngừng mua giá đỗ từ đơn vị cung cấp nên không còn sản phẩm để thu hồi.

Vẫn theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, trong 6 cơ sở làm giá đỗ nói trên (gồm 3 hộ kinh doanh và 1 doanh nghiệp), chỉ có cơ sở đăng ký tên Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và Thủy sản cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động “sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh” ngày 22/4/2024.

Cơ sở này xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm lần đầu, để được đánh giá các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động sơ chế, đóng gói nên không được lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm. Do xếp vào loại B nên việc thẩm định lại phải đủ 12 tháng, vì vậy đến nay chưa đến thời hạn đánh giá lại.

5/6 cơ sở làm giá đỗ còn lại thuộc nhóm cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý theo Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT, ngày 31/10/2018 của Bộ NN-PTNT.

Trong năm 2024, các cơ quan quản lý của tỉnh, huyện tại Đắk Lắk đã tiến hành nhiều hoạt động thanh, kiểm tra, lấy mẫu giám sát đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, cả 6 cơ sở làm giá đỗ nêu trên chưa được các đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất.

Minh Sơn