9 mẫu cá biển tại Hà Tĩnh tồn dư Xyanua, Phenol, Cadimi
9 mẫu cá biển được lấy tại Hà Tĩnh hôm 05/8 cho kết quả tồn dư Xyanua, Phenol và Cadimi; hàm lượng các kim loại nặng khác trong giới hạn cho phép.
Kết quả kiểm nghiệm trên được Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia gửi tới Bộ Y tế trong văn bản ký ngày 22/8. Đây là kết quả xét nghiệm 9 mẫu cá do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh gửi tới ngày 09/8/2016.
9 mẫu cá được lấy vào ngày 05/8; trong đó có 3 mẫu cá mu, cá đuối được lấy từ Gò cá xã Cẩm Nhượng (biển Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và 6 mẫu gồm: ghẹ 3 mắt, cá nhồng, cá man, cá trạng buồn, cá mỏ neo, cá triềng được lấy tại chợ Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Theo kết quả kiểm nghiệm, hàm lượng các kim loại nặng trong 9 mẫu cá như: thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, các mẫu kiểm nghiệm ghi nhận có tồn dư Xyanua, Phenol và Cadimi; cụ thể:
- 1 mẫu cá trạng buồn có hàm lượng Cadimi là 0,079 mg/kg, vượt quá giới hạn cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT
- 5 mẫu cá tồn dư Xyanua: cá đuối (0,8 mg/kg), ghẹ 3 mắt (0,8 mg/kg), cá nhồng (0,6 mg/kg), cá man (0,5 mg/kg) và cá mỏ neo (3,9 mg/kg).
- 3 mẫu cá có chứa Phenol: cá đuối (14 mg/kg), ghẹ 3 mắt (10mg/kg) và cá man (8,3 mg/kg).
Trong khi đó, mới đây, ngày 24/8, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế thông tin về kết quả kiểm nghiệm sự cố cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.
Theo kết quả công bố từ Cục An toàn thực phẩm, mức độ ô nhiễm môi trường biển đã giảm dần theo thời gian. Ghi nhận vào tháng 7/2016 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỉ lệ 25,9%). Đến ngày 19/8, có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%).
Sau khi có kết quả kiểm nghiệm, Bộ Y tế đã gửi kết quả cho Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ NN&PTNT để làm căn cứ đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.
Theo kết quả công bố tại hội nghị về hiện trạng môi trường biển ở 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế được tổ chức tại Quảng Trị ngày 22/8, các thông số được xác định là nguyên nhân gây ra sự cố môi trường như Xyanua, Sắt, Phenol cho kết quả: Xyanua và Sắt đều có xu hướng giảm từ tháng 5 đến tháng 6/2016; tổng Phenol tăng từ tháng 5 đến tháng 7/2016 và giảm trong tháng 8/2016. Đối với chất lượng nước tại các bãi tắm, cơ quan chức năng đã tiến hành quan trắc tại 19 bãi tắm thuộc 4 tỉnh. Theo kết quả báo cáo, tất cả các thông số quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy chuẩn Việt Nam – đạt quy chuẩn cho vùng bãi tắm, thể thao dưới nước. Tuy nhiên, đối với vấn đề cá biển đã ăn được chưa, an toàn hay không thì vẫn chưa có câu trả lời. Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy mẫu với tất cả các loại cá tại các cảng biển và đầm nuôi ở 4 tỉnh miền Trung để kiểm nghiệm. Các kết quả kiểm nghiệm này sẽ được Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đánh giá và dự kiến công bố chính thức vào đầu tháng 9/2016. |
Hải Linh
Xem thêm:
Từ khóa Formosa Hà Tĩnh thảm họa môi trường miền Trung cá biển tại Hà Tĩnh tồn dư Xyanua cá biển tại Hà Tĩnh nhiễm độc