An Giang xin làm hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL, tổng vốn trên 3.100 tỷ đồng
- Vĩnh Long
- •
An Giang cho hay sẽ được Chính phủ đầu tư làm hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL tại vùng Bảy Núi, tổng vốn trên 3.100 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách địa phương.
- Hạn hán, xâm mặn, sạt lở bủa vây Cà Mau
- Con đường thoát hạn ở Đồng bằng sông Cửu Long (bài 1)
- Con đường thoát hạn ở ĐBSCL (bài 2) – Giải pháp cho một Mekong khát nước
Ngày 13/7, tại kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh An Giang, trong phần trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – ông Nguyễn Thanh Bình cho hay vừa qua Chính phủ đã chủ trì họp với lãnh đạo 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL. Tại cuộc họp này, chính quyền tỉnh An Giang đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới sẽ đầu tư một số dự án trọng điểm bằng nguồn vốn ODA trong tỉnh.
Sắp tới đây, An Giang được Chính phủ đầu tư bằng nguồn vốn ODA để làm hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL với tổng vốn trên 3.100 tỷ đồng tại vùng Bảy Núi; dự án cải tạo hạ tầng du lịch Tịnh Biên với tổng mức đầu tư trên 2.400 tỷ đồng và dự án cải thiện hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu thị xã Tân Châu trên 1.140 tỷ đồng.
Nếu các dự án này được đầu tư thì kinh tế An Giang ngày càng phát triển hơn – ông Bình nhận định.
Dự án Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên được UBND tỉnh An Giang đề xuất trước đó với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại buổi làm việc hôm 29/3. Dự án có quy mô hơn 3.050 ha, nằm phía dưới hạ lưu cống Trà Sư, trong phạm vi tuyến thoát lũ Châu Đốc – Tịnh Biên, thuộc hệ thống kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên.
Nêu lý do thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – ông Trần Anh Thư cho biết những năm gần đây mùa lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long không còn xuất hiện theo quy luật tự nhiên nên cần sớm đầu tư, xây dựng hệ thống các hồ trữ nước, nhằm giữ lại nguồn nước ngọt tự nhiên, cung cấp cho vùng Tứ giác Long Xuyên – vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước. Ngoài ra, khu vực này cần hồ trữ nước để điều hòa nguồn nước giữa mùa lũ và mùa khô, đảm bảo sinh kế người dân, bảo vệ môi trường.
Với quy mô hơn 3.050 ha, dự án có tổng chiều dài bờ bao trên 42,6 km; tổng dung tích trữ nước là 32,5 triệu m3. Tổng kinh phí dự kiến hơn 3.185 tỷ đồng, từ vốn ngân sách trung ương thuộc khoản vay Chương trình DPO là 1.653 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ cấp phát 90% là 1.488 tỷ đồng; địa phương vay lại 10% là 165 tỷ đồng); vốn đối ứng ngân sách địa phương là 1.532 tỷ đồng.
Nếu dự án được triển khai, đây sẽ là hồ trữ nước ngọt lớn nhất ĐBSCL.
Hồi tháng 2/2020, hồ chứa nước ngọt Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) – hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Tây – mặn chát với độ mặn là 1,38 phần ngàn (độ mặn có thể tưới cây là dưới 1 phần ngàn).
Công trình được xây dựng từ năm 2017, được đưa vào sử dụng từ tháng 8/2019, quy mô 60ha, tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến hồ bị nhiễm mặn là do nước mặn trong hồ không được xả ra hết trước khi đóng cống. Không có chỗ xả nước mặn, chỉ xả được một phần nhỏ nước bề mặt nên hồ chứa nước ngọt Ba Tri càng ngày càng mặn.
Tới tháng 4 cùng năm, hồ Ba Tri khô đáy, nứt nẻ.
Từ khóa An Giang đất nhiễm mặn hồ trữ nước ngọt