Ngày 2/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở tại một số khu vực ở huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động.

bac giang cong bo tinh huong khan cap sat lo tai huyen luc nam luc ngan son dong1
Hiện trường xảy ra sạt lở tại thôn Chay, xã Phì Điền. (Ảnh: lucngan.bacgiang.gov.vn)

Theo đó, tại huyện Lục Nam, vị trí xảy ra ra sự cố ở khu Dốc Chợ (sát Tỉnh lộ 293), thuộc thôn Lầm, xã Trường Sơn, huyện Lục Nam.

Sự cố trên ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ gia đình với 58 nhân khẩu. Khu vực sạt trượt trên sườn núi, ngay phía sau nhà dân (chân núi bị đào bạt tạo mặt bằng xây dựng nhà ở). Cung sạt rộng khoảng 30m, dài khoảng 35m (có nguy cơ cao phát triển khoảng 130m), chênh cao từ mặt đường Tỉnh lộ 293 đến đỉnh cung sạt khoảng 25m, vết nứt có chiều rộng lớn nhất khoảng 45cm, vách trượt đỉnh cung sạt cao khoảng 0,5m.

Tại huyện Lục Ngạn, sự cố sạt lở đất tại núi Bục, thôn Chay, xã Phì Điền.

Cụ thể, tại các khe suối trên triền núi Bục, thôn Chay, xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn xuất hiện 2 vị trí sạt trượt với khối lượng lớn, chênh cao so với chân núi tại vị trí 1 khoảng 65m, vị trí 2 khoảng 90m. Khoảng cách từ khối trượt đến nhà dân tại sườn núi khoảng 215m. Các khối đất nếu trượt xuống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 16 hộ dân với 64 nhân khẩu đang sinh sống ở sườn và chân núi, trong đó có 19 trẻ em và người cao tuổi.

Tại huyện Sơn Động, sự cố sạt lở đất xảy ra tại các khu vực xã An Bá, xã Tuấn Đạo và thị trấn An Châu.

Sạt lở xảy ra ở khu vực đèo Vá (thôn Vá, xã An Bá, huyện Sơn Động). Tại đồi cao, sau nhà bà Lê Thị Dậu khu vực đỉnh Đèo Vá, thuộc thôn Vá, xã An Bá, huyện Sơn Động đã xuất hiện các vết nứt dài 40m, sâu khoảng 1,6m, rộng khoảng 60cm, khoảng cách từ đỉnh vết nứt đến nhà dân (hộ bà Lê Thị Dậu) khoảng 25-30m.

Tại xã Tuấn Đạo, sạt lở 4 vị trí gồm:

  • Vị trí thứ nhất: Tại thôn Tuấn An, xã Tuấn Đạo. Vị trí xảy ra vết nứt (sau nhà ông Đỗ Văn Hà, thôn Tuấn An, xã Tuấn Đạo) chiều dài vết nứt 32m; chiều sâu vết nứt 1,0m; chiều rộng vết nứt 1,0m.
  • Vị trí thứ hai: Tại thôn Tuấn Sơn khu vực sau khu nhà văn hoá thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo. Chiều dài vết nứt: Gồm 2 đoạn, 1 đoạn 25m, 1 đoạn 35m. Chiều sâu vết nứt khoảng 40cm, chiều rộng vết nứt: 30cm. Khoảng cách từ vết nứt đến nhà văn hoá thôn Tuấn Sơn về phía sau 35m. Khu vực sạt lở làm ảnh hưởng đến 21 hộ dân, với hơn 90 nhân khẩu.
  • Vị trí thứ ba: Tại thôn Nam Bồng (khu vực sau hộ gia đình nhà ông Nguyễn Xuân Phóng). Chiều dài sạt lở là 31m, chiều rộng vết nứt 13cm, chiều cao từ nền nhà đến mái đồi sạt lở là 7m. Khoảng cách từ tường nhà đến vị trí sạt lở là 13m.
  • Vị trí thứ tư: Tại thôn Linh Phú (vị trí sạt lở ở khu vực Cầu Sông Om thôn Linh Phú). Chiều dài sạt lở là 197m, chiều sâu vị trí sạt lở 1,5m, chiều cao từ mặt sông lên đỉnh bờ sạt lở 3,0m. Khu vực sạt lở làm ảnh hưởng đến 6 hộ dân, với 28 nhân khẩu.

Tại thị trấn An Châu, vị trí sạt lở khu vực đường Nguyên Hồng, thuộc tổ dân phố số 1, thị trấn An Châu (Khu vực phía sau vườn ươm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động). Chiều dài vết nứt là 100m, độ sâu vết nứt 70cm, phạm vi sạt lở từ số nhà 45 (hộ bà Phạm Thị Tích) đến số nhà 47 (hộ bà Vũ Thị Mỹ) đường Nguyên Hồng  thuộc tổ dân phố số 1, thị trấn An Châu (bên dưới vết nứt là sông An Châu nguy cơ sạt lở rất cao).

bac giang cong bo tinh huong khan cap sat lo tai huyen luc nam luc ngan son dong21
Khu vực xuất hiện vết nứt tại thôn Tuấn Sơn, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)

Biện pháp khắc phục

Để khắc phục các sự cố sạt lở do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang giao UBND các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động tiếp tục theo dõi diễn biến sự cố, tuyệt đối không được để người dân trở lại sinh sống (trước mắt là trong mùa mưa bão năm 2024).

Bố trí sắp xếp nơi sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng bảo đảm ổn định, đồng thời tiếp tục rà soát đánh giá nhanh các hộ dân lân cận để chủ động phòng tránh. Xây dựng bổ sung phương án ứng phó với sạt lở đất trong phương án ứng phó thiên tai năm 2024 của huyện.

Tổ chức chặt cây, phát quang, cắm tiêu, mốc để quan trắc khe nứt, cung sạt trượt, hạn chế để nước mưa chảy vào khe nứt. Cử lực lượng tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự cố, cập nhật diễn biến báo cáo thường xuyên về Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh.

Rà soát ngay phương án di dân khẩn cấp phòng, chống lũ quét, sạt lở đất ở huyện theo thứ tự ưu tiên, trong đó nêu rõ số hộ dân cần di dời. Việc sắp xếp di dời dân cư ngoài việc bảo đảm sinh kế cần quan tâm đến các yếu tố an toàn theo quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống thiên tai, tính toán phương án với tình huống xấu nhất phải di dời, bố trí tái định cư để ổn định, an toàn lâu dài cho người dân.

Đồng thời, các địa phương chủ động bố trí, sử dụng nguồn kinh phí tổ chức khảo sát, đánh giá, lập phương án khẩn cấp, cấp bách sự cố công trình; ban hành lệnh xử lý khẩn cấp công trình theo phương châm “4 tại chỗ”.

Thời điểm kết thúc, xử lý ứng phó tình huống là khi thực hiện hoàn thành các biện pháp xử lý sạt trượt bảo đảm an toàn. UBND các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Sơn Động phải chịu trách nhiệm báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp nêu trên.

UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình các sự cố nêu trên; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn UBND các huyện trong quá trình thực hiện.

Các Sở gồm: Xây dựng, TN&MT, GTVT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn UBND các huyện xử lý, khắc phục các sự cố sạt lở đất nêu trên.

Các cơ quan truyền thông thông tin, cảnh báo về tình huống khẩn cấp các sự cố nêu trên để nhân dân biết và chủ động phòng tránh.

Bảo Khánh