Bắc Giang thêm 1 ca dương tính với bạch hầu
- Minh Long
- •
Bệnh nhân B.H.G từng xét nghiệm âm tính bạch hầu lần thứ nhất. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần thứ hai lại dương tính.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang, địa phương vừa phát hiện thêm 1 ca dương tính với bệnh bạch hầu, là nữ giới.
Trường hợp dương tính là bệnh nhân B.H.G (SN 1995, tạm trú tại thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), thường trú tại xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
G. là một trong số các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh M.T.B (SN 2006, quê ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa.
Ngày 9/7, G. có kết quả xét nghiệm âm tính trong lần đầu. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm lần thứ hai vào ngày 10/7 xác nhận G. dương tính với bệnh bạch hầu.
Chiều 10/7, bệnh nhân này được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, điều trị. Các bác sĩ cho biết cô không có biểu hiện bệnh, hiện sức khỏe bình thường.
Qua truy vết, bước đầu lực lượng chức năng xác định 7 người tiếp xúc gần và họ đều có trong danh sách 15 trường hợp được xác định là F1 của bệnh nhân đầu tiên, cách ly y tế từ ngày 7/7
Được biết, G. là nhân viên tại một quán internet ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh. Từ ngày 2 -5/7, G. thường xuyên tiếp xúc và ăn cơm cùng B. tại quán này. G. còn tiếp xúc với một số người khi đi hát karaoke ở xã Hợp Thịnh, hiện chưa xác định được danh tính.
Bệnh nhân bạch hầu đầu tiên được CDC Bắc Giang ghi nhận hôm 6/7 là M.T.B, lây nhiễm tại Nghệ An hồi tháng 6 rồi di chuyển ra Bắc Giang và đi nhiều nơi, được đánh giá là nguy cơ bệnh lây lan cộng đồng. Người lây bệnh cho B. là nữ sinh P.T.C (18 tuổi, đã tử vong ngày 5/7).
Như vậy, trong chuỗi lây nhiễm này hiện đã ghi nhận 3 ca bạch hầu, gồm nữ sinh P.T.C lây cho M.T.B. và B. lây cho G. Hơn 100 người tiếp xúc với các bệnh nhân được cách ly, theo dõi sức khỏe trong 14 ngày kể từ khi tiếp xúc gần lần cuối với bệnh nhân, điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong vòng 7 ngày.
Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.
Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bạch hầu sẽ có các biểu hiện nặng, nhẹ khác nhau. Triệu chứng bệnh chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Một số biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi do liệt cơ hoành…
Khi bệnh tiến triển nặng lên, có thể xuất hiện khó thở, khó nuốt, thay đổi thị lực, nói lắp. Các độc tố bạch hầu khi ngấm vào máu sẽ gây nhiễm độc toàn thân, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác, gây viêm cơ tim hoặc loạn nhịp tim, dẫn đến tử vong.