Bắc Ninh dự chi 154 tỷ đồng xóa bỏ 3 cụm làng nghề giấy, tái chế nhôm
- Nguyễn Quân
- •
Trong 5 năm, 2025-2030, UBND tỉnh Bắc Ninh tính chi khoảng 154,5 tỷ đồng ngân sách được cấp để di dời 3 điểm đen ô nhiễm tại phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh), xã Văn Môn (huyện Yên Phong), và xã Phú Lâm (huyện Tiên Du).
Nội dung đề xuất được UBND tỉnh Bắc Ninh gửi HĐND tỉnh tại dự thảo tờ trình Nghị quyết hỗ trợ cơ sở, hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất tại phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh), xã Văn Môn (huyện Yên Phong), Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) đến năm 2030.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi kèm tờ trình, tại phường Phong Khê (TP. Bắc Ninh) có tổng số 326 cơ sở sản xuất (73 cơ sở trong Cụm công nghiệp Phong Khê I, 59 cơ sở trong Cụm công nghiệp Phong Khê II, 194 cơ sở trong khu dân cư: Dương Ổ – 132 cơ sở, Đào Xá – 49 cơ sở, Châm Khê – 13 cơ sở) chủ yếu sản xuất các loại sản phẩm giấy vệ sinh, giấy Kraft, giấy vàng mã và hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phụ trợ cho ngành giấy.
Khoảng hơn 4.000 lao động trong và ngoài tỉnh có việc làm, thu nhập ổn định. Đa số các cơ sở sản xuất giấy đều sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu, thải loại của một số nhà máy trong và ngoài nước (chủ yếu sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc), dẫn đến hiệu quả, năng suất sản xuất thấp và gây ô nhiễm môi trường (môi trường nước, đất, không khí, tiếng ồn…)
Tại xã Phú Lâm (huyện Tiên Du) có 27 cơ sở sản xuất giấy nằm trong Cụm công nghiệp Phú Lâm có diện tích khoảng 29,54 ha (trong đó cụm công nghiệp cũ 26,74ha, cụm công nghiệp mở rộng đã được giao đất thực hiện dự án 2,8 ha); Có 8 cơ sở sản xuất nằm ngoài cụm công nghiệp.
Tại xã Văn Môn (huyện Yên Phong) có khoảng 154 cơ sở sản xuất, hộ gia đình tái chế nhôm trong khu dân cư. Các cơ sở sản xuất đa số có quy mô nhỏ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, công nghệ lạc hậu, trong quá trình sản xuất chất thải phát sinh như bã, xỉ thải, khí thải không qua xử lý thải trực tiếp ra môi trường. Cơ bản các cơ sở sản xuất không đầu tư hệ thống xử lý chất thải và không hoàn thiện hồ sơ thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.
“Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đia phương trên đã diễn ra trong nhiều năm, có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất (khí thải, nước thải, chất thải rắn) không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
UBND tỉnh Bắc Ninh dự kiến chi khoảng 154,5 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cấp tỉnh để di dời các cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê và xã Phú Lâm, làng nghề tái chế nhôm tại xã Văn Môn. Trong đó, kinh phí hỗ trợ chi phí di dời là 77,25 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng là 77,25 tỷ đồng, để các chủ cơ sở tự nguyện di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc chuyển đổi nghề nghiệp.
Thời gian hỗ trợ không quá 5 năm kể từ ngày được phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2030, 100% các cơ sở sản xuất giấy, tái chế nhôm tại 3 địa phương trên phải di dời, nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu vực dân cư, đô thị gắn với việc chỉnh trang và phát triển đô thị.
Theo thông tin công bố tại cuộc họp của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 24/11, chỉ riêng xã Văn Môn (huyện Yên Phong), trong thời gian kiểm tra từ ngày 8 – 19/11, tại 74/96 cơ sở đã kiểm tra, phát hiện 622 hành vi vi phạm; đã tiến hành lập 76 biên bản vi phạm hành chính đối với 71 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 30,5 tỷ đồng, đồng thời áp dụng 50 hình phạt bổ sung.
Trong tổng số 146 hộ sản xuất, cô đúc, tái chế kim loại tại xã Văn Môn và xã Đông Thọ (huyện Yên Phong), có 96 hộ cam kết tự nguyện dừng hoạt động sản xuất.
Tính đến ngày 18/10, có 158/228 cơ sở sản xuất ở làng giấy Phong Khê (TP. Bắc Ninh) đã dừng hoạt động, Chủ tịch UBND TP. Bắc Ninh cho biết trên Vietnamplus ngày 26/10/2024.
Sản xuất gây ô nhiễm là do “lịch sử để lại”?Tại báo cáo được UBND tỉnh gửi HĐND kèm tờ trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm là vấn đề của lịch sử. “Việc các cơ sở sản xuất nằm xem lẫn trong các khu dân cư không hoàn toàn thuộc lỗi của doanh nghiệp, mà do lịch sử để lại, có thể trước đây khi đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, địa điểm xây dựng dân cư còn thưa thớt, qua thời gian phát triển, với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng đã vô tình đặt các cơ sở sản xuất nằm đan xen trong khu dân cư, và gây ra các xung đột lợi ích giữa người dân với cơ sở sản xuất, vì môi trường sống bị ô nhiễm do các cơ sở sản xuất gây ra (khói, bụi, tiếng ồn, đường xá xuống cấp,…). Trong khi đó, hầu hết các cơ sở sản xuất nằm đan xen trong các khu dân cư, là các sở sở phát triển lâu đời và thuộc doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ gia đình, nên khả tài chính hạn chế, không thể đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy chuẩn”, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định. Ngoài yếu tố thuộc về quy hoạch cũ, Sở này cho hay nguyên nhân chính là do các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận. “Ngoài nguyên nhân khách quan nêu ở trên, thì nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, không đầu tư hệ thống xử lý môi trường đạt chuẩn, nên gây ô nhiễm môi trường”, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo. Trách nhiệm quản lý được đề cập sau cùng, được nêu như sau: “Công tác quản lý môi trường của các cơ quan chức năng còn lỏng nẻo, thiếu chặt chẽ, nên đã để cho các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; bên cạnh đó, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa hoàn thiện,.. dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn thấp”. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Ô nhiễm môi trường làng nghề UBND tỉnh Bắc Ninh