Theo công an TP.HCM, lãnh đạo các Trung tâm Đăng kiểm đã nhận tiền của chủ 70.000 phương tiện, thông qua “cò” đưa xe đến kiểm định, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

sai pham trung tam dang kiem
Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm Giám đốc. (Ảnh: congan.com.vn)

Trong buổi họp báo chiều 20/12, Công an TP.HCM cho biết đã bắt 33 người là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm để điều tra về các hành vi như “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ” và “Giả mạo trong công tác”.

Công an cũng đã khám xét khẩn cấp tại 9 Trung tâm Đăng kiểm.

Trong đó, có 5 Trung tâm do bị can Trần Lập Nghĩa làm giám đốc. Cụ thể Trung tâm Đăng kiểm: 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp): 63-02D (tỉnh Tiền Giang).

Tại TP.HCM, có Trung tâm Đăng kiểm 50-15D (TP. Thủ Đức) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm Giám đốc; Trung tâm Đăng kiểm 50-07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm Giám đốc; Trung tâm Đăng kiểm 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm làm Giám đốc; Trung tâm Đăng kiểm 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm Giám đốc.

Chiêu lách luật

Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho biết theo quy định, tại mỗi dây chuyền bắt buộc phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có một đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, để đối phó, các trung tâm đã sử dụng các nhân viên không có giấy chứng nhận đăng kiểm viên, mặc quần áo đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới.

sai pham trung tam dang kiem 1
Công an đang làm việc với một nhân viên mặc quần áo đăng kiểm. (Ảnh: congan.com.vn)

Ba nhân viên này có nhiệm vụ mặc đồ đăng kiểm viên đi dạo quanh các camera do Cục Đăng kiểm giám sát. Do đó, hình ảnh ghi nhận được thì lúc nào cũng có 3 đăng kiểm viên. Ngoài ra, các bị can đã giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để cấp ra giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ.

Với những xe không đủ điều kiện đăng kiểm, xe không đủ điều kiện về độ khói, khí thải, nhóm này sử dụng giấy trắng để che một mắt thiết bị nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn.

Với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, cơi nới thùng xe, họ vẫn có thủ thuật để hoàn thành việc đăng kiểm.

Với Trung tâm Đăng kiểm 50-17D, sai phạm tại trung tâm này có liên quan đến một Trung tâm tâm sát hạch lái xe tại huyện Nhà Bè vì đã đưa vào sử dụng 120 phương tiện giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật vào hoạt động dạy lái xe.

Việc đưa các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật vào hoạt động dạy lái xe có thể gây nguy hiểm rất lớn cho hoạt động dạy, học lái xe. Đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng học viên được cấp bằng, có tính chất nguy hiểm cho xã hội.

Thu hàng chục tỷ đồng

Theo cơ quan điều tra, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, Giám đốc các Trung tâm đăng kiểm trên đã nhận “lót tay” rồi chỉ đạo Phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng… bỏ qua các vi phạm của xe đăng kiểm. Cụ thể là bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…

Kết quả điều tra bước đầu xác định, lãnh đạo các trung tâm đã nhận tiền của chủ 70.000 phương tiện, thông qua “cò” đưa xe đến kiểm định, thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.

Tại các trung tâm đăng kiểm của bị can Trần Lập Nghĩa, cơ quan điều tra cũng phát hiện hành vi lập danh sách đăng kiểm viên khống, nhằm hợp thức hóa quy định của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Lãnh đạo trung tâm này còn yêu cầu cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào hồ sơ kiểm định, sau đó cấp gần 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho ô tô đến đăng kiểm.

Công an TP.HCM đánh giá đường dây này thực hiện hành vi đặc biệt nghiêm trọng, gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước; ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng xe…

Minh Long