Bộ máy UBND TP. Hà Nội có hơn 13.000 tiến sĩ, thạc sĩ
- Hoàng Minh
- •
Theo thống kê, tính đến năm 2022, Hà Nội có 402 tiến sĩ và 12.612 thạc sĩ.
Theo UBND TP. Hà Nội, về công chức, số liệu cập nhật đến năm 2022 cho thấy thành phố có 7.286 người. Trong đó, 84 người có trình độ tiến sĩ, 2.609 người trình độ thạc sĩ, 4.373 người có trình độ đại học, 35 người trình độ cao đẳng, 133 trình độ trung cấp và 52 người trình độ sơ cấp.
Trong số các công chức trên, về trình độ ngoại ngữ, có 374 người ở cấp độ đại học, còn lại 6.912 người ở cấp độ chứng chỉ. Về trình độ tin học, có 265 trường hợp ở cấp độ đại học, còn lại 7.021 trường hợp ở cấp độ chứng chỉ.
Tổng số cán bộ, công chức cấp xã của TP. Hà Nội là 9.191 người, trong đó chỉ có 1 người có trình độ tiến sĩ, 828 người có trình độ thạc sĩ, 7.399 người có trình độ đại học. 333 người ở trình độ cao đẳng, 489 người có trình độ trung cấp và 141 người ở trình độ sơ cấp.
Về viên chức, tổng số là 121.291 người. Trong đó, có 317 người có trình độ tiến sĩ, 9.175 người có trình độ thạc sĩ, 304 người có trình độ chuyên khoa II, 1.121 người ở trình độ chuyên khoa I. Số người có trình độ đại học chiếm tỷ lệ lớn, với 72.897 người (60,1%). Trình độ cao đẳng có 24.817 người, trình độ trung cấp có 11.874 người. 786 người ở trình độ thấp hơn.
Thống kê về trình độ ngoại ngữ của viên chức TP. Hà Nội cho thấy có 8.364 trường hợp ở cấp độ đại học trở lên. Còn lại, 92.407 trường hợp còn lại ở cấp độ chứng chỉ. Với trình độ tin học, có 5.871 trường hợp ở trình độ trung cấp trở lên, còn lại 97.437 trường hợp ở cấp độ chứng chỉ.
Như vậy, bộ máy UBND TP. Hà Nội hiện có 13.014 tiến sĩ, thạc sĩ (402 tiến sĩ, 12.612 thạc sĩ).
“Nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố có lối sống lành mạnh, có kiến thức chuyên môn và năng lực hoạt động thực tiễn, tận tụy với công việc được giao và phong cách làm việc khoa học”, giới chức TP nhận định.
Trước đó, giữa tháng 2/2023, báo Tuổi Trẻ dẫn bình luận của ông Hoàng Ngọc Vinh, cựu Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), cho hay “phong trào sính bằng cấp vài năm qua có vẻ như đã lắng xuống sau khi dư luận có nhiều ý kiến phê phán về chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ta, nay dường như lại nở rộ ở nhiều nơi khiến dư luận băn khoăn về động cơ, mục tiêu học thạc sĩ và tiến sĩ của không ít người”.
Theo ông Vinh, mục đích của một bộ phận người học vì muốn nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu công việc hàng ngày hoặc muốn gia tăng sự hiểu biết, nâng cao kỹ năng về chuyên môn và hy vọng tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. “Nhưng khá nhiều người mục đích có được tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ vì “sĩ diện” coi bằng cấp là biểu tượng vị trí trong xã hội, là thước đo trí tuệ của họ”.
Bệnh sính bằng cấp dẫn đến nhu cầu “giả” quá cao kéo theo tăng “cung” và khi nguồn lực không đảm bảo, tất xảy ra những chuyện liên kết bát nháo, mua bán bằng cấp làm ảnh hưởng tới những người học thật cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin vào hệ thống giáo dục.
“Chạy theo bằng cấp bất chấp nhu cầu của xã hội sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy về lãng phí tài chính, thời gian, công sức, đặc biệt mục tiêu không phải vì nâng cao học vấn và kỹ năng cho việc làm sẽ dẫn đến sự học giả và bằng cấp không đi cùng với chất lượng của danh xưng học vị như thực tế đã xảy ra ở nhiều nơi, với nhiều người”, ông Vinh nhận định.
Từ khóa công chức viên chức tiến sĩ TP. Hà Nội chạy bằng cấp mua bằng Tiến sĩ lò ấp Tiến sĩ