Bộ Nội vụ đã công bố dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi) trong đó đề xuất bỏ hoàn toàn khái niệm “ngạch công chức” trong hệ thống quản lý công chức, thay thế bằng cơ chế quản lý theo “vị trí việc làm”.

bo noi vu de xuat bo ngach cong chuc thay bang vi tri viec lam
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: quochoi.vn)

Động thái trên nằm trong lộ trình cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo Luật Cán bộ, Công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật 52/2019/QH14, có hiệu lực từ 1/7/2020), “ngạch công chức” được định nghĩa là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, bao gồm các ngạch như chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên và các ngạch khác do Chính phủ quy định.

Trong dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hoàn toàn các quy định từ Điều 42 đến Điều 46 của Luật hiện hành liên quan đến ngạch công chức, bao gồm: Ngạch công chức và bổ nhiệm vào ngạch, Chuyển ngạch công chức, Nâng ngạch công chức, Tổ chức thi nâng ngạch công chức.

Thay vào đó, khái niệm “ngạch” được thay thế bằng “vị trí việc làm”. Vị trí việc làm được định nghĩa là chức vụ, chức danh hoặc công việc cụ thể của công chức, gắn với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị.

Vị trí việc làm bao gồm Lãnh đạo, quản lý; Chuyên môn, nghiệp vụ; Hỗ trợ, phục vụ (có thể ký hợp đồng lao động thay vì bổ nhiệm công chức).

Vị trí việc làm được xếp theo thứ bậc dựa trên tiêu chuẩn chức vụ, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức, áp dụng thống nhất trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp xã.

Việc bố trí công chức khi thay đổi vị trí việc làm cũng được quy định ở Điều 31 của dự thảo Luật sửa đổi.

Theo đó, việc thay đổi vị trí việc làm của công chức sang vị trí việc làm mới ở thứ bậc cao hơn phải thực hiện thông qua hình thức thi hoặc xét, do cơ quan quản lý công chức quyết định. Việc này lâu nay được thực hiện theo hình thức thi nâng ngạch công chức như thi nâng ngạch chuyên viên lên chuyên viên chính, chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp.

Việc thay đổi vị trí việc làm của công chức sang vị trí việc làm mới tương đương hoặc ở thứ bậc thấp hơn do cơ quan quản lý công chức quyết định, hoặc cơ quan sử dụng công chức quyết định theo phân cấp.

Khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới. Các nội dung cụ thể sẽ giao Chính phủ quy định.

Cơ quan soạn thảo cho rằng Luật hiện hành quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ là chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm.

Đồng thời, khái niệm vị trí việc làm trong Luật là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức, dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lặp với tiêu chuẩn ngạch công chức.

Các tiêu chuẩn này không rõ về yêu cầu kết quả, sản phẩm công việc nên phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Dự án Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5.

Minh Long