Bộ Nội vụ cho hay đội ngũ công chức hiện nay ở tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”; “né tránh, đùn đẩy”; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, “tình trạng công chức suốt đời”…

bo noi vu de xuat co che dao thai nham xoa nan cong chuc suot doi
Công chức, viên chức Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk, tháng 8/2024. (Ảnh minh họa: vpubnd.daklak.gov.vn)

Bộ Nội vụ đang đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến cơ chế quản lý, sử dụng cán bộ, công chức để làm cơ sở sàng lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nội dung nói trên được đưa ra tại Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), hiện trong thời gian lấy ý kiến.

Kẽ hở của luật gây ra nạn “cào bằng”, “công chức suốt đời”

Tại tờ trình xin ý kiến các bộ, ngành, Bộ Nội vụ cho biết hiện Luật Cán bộ, công chức ban hành năm 2008, có hiệu lực từ năm 2010 hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước.

Trong đó, về liên thông trong công tác cán bộ, Luật Cán bộ, công chức hiện hành đang quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên và cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với đặc điểm của từng nhóm. Luật hiện hành có quy định về việc liên thông giữa cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, “tuy nhiên còn phát sinh nhiều thủ tục hành chính khi thực hiện”.

Với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiện đang được xây dựng, thì cần bỏ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và thống nhất cơ chế quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến cơ sở.

Về việc thực hiện quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, Điều 5 Luật Cán bộ, công chức quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế; việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ. Quy định này được xác định là “chưa hoàn toàn theo vị trí việc làm”.

Ngoài ra, Điều 7 xác định khái niệm vị trí việc làm trong Luật Cán bộ, công chức là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí, sử dụng công chức.

Quy định này dẫn đến việc triển khai xác định, mô tả vị trí việc làm còn trùng lắp với tiêu chuẩn ngạch công chức (tiêu chuẩn áp dụng chung đối với các cơ quan, tổ chức trong cùng ngành, lĩnh vực, chủ yếu thiên về bằng cấp chuyên môn, không rõ về yêu cầu kết quả, sản phẩm công việc).

Điều này được xác định là phát sinh nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng yêu cầu tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm.

Từ đó, quy định về việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cũng cần được điều chỉnh. Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành về công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hiện “chưa tạo đủ hành lang pháp lý cho việc đánh giá kết quả thực hiện công việc theo vị trí việc làm dẫn đến sự cào bằng trong công tác đánh giá, chưa tạo động lực trong việc rèn luyện, phấn đấu của cán bộ, công chức; không có cơ sở để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín”, Bộ Nội vụ đánh giá.

Từ đó, Bộ Nội vụ nêu vấn nạn hiện tại: “Thực trạng đội ngũ công chức hiện nay ở tình trạng vừa thừa, vừa thiếu; tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám nghĩ, dám làm; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, “tình trạng công chức suốt đời”, cơ chế đào thải không đủ mạnh (quy định 2 năm liên tiếp bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ)”.

Tình trạng trên được cho là xuất phát từ việc thiếu cơ chế cạnh tranh, sàng lọc trong đội ngũ, cơ chế, phương thức đánh giá, xếp loại chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đề xuất tuyển dụng, bổ nhiệm “có vào, có ra, có lên, có xuống”

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất thực hiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, lấy vị trí việc làm làm trung tâm trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức.

Việc tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ, công chức cần làm theo hướng thực chất, “vì việc tìm người”, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được.

Cụ thể, bổ sung quy định về khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm; căn cứ xác định vị trí việc làm; thay đổi vị trí việc làm và nội dung quản lý về vị trí việc làm.

Bổ sung quy định phân định các vị trí việc làm phải thực hiện tuyển dụng và các vị trí việc làm có thể được phép ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức tạo sự linh hoạt trong sử dụng nguồn nhân lực từ bên ngoài.

Bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ theo nguyên tắc cạnh tranh, “có vào, có ra, có lên, có xuống” để giải quyết tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ì; tâm lý đã vào nhà nước là an toàn, ”tình trạng công chức suốt đời”, cơ chế đào thải không đủ mạnh; mục tiêu là xây dựng được đội ngũ “tinh thông, chất lượng, đủ đức, đủ tài”.

Đối với việc thu hút, trọng dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ đáp ứng yêu cầu, Bộ Nội vụ sửa đổi Điều 5 hiện hành theo hướng:

Thứ nhất, nguyên tắc thực hiện cơ chế kết hợp công – tư về nhân lực, để thu hút tối đa các chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng từ khu vực tư, vào làm việc trong các cơ quan trong hệ thống chính trị.

Đồng thời, trọng dụng nguồn nhân lực trong hệ thống từ đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực nổi trội, có kết quả công việc thể hiện bằng thành tích, sản phẩm cụ thể đóng góp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và cho sự phát triển của đất nước.

Thứ hai, xây dựng cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài, và người nước ngoài có trình độ cao, xây dựng, kết nối và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để tận dụng kinh nghiệm, chất xám, thành quả tiên tiến nhằm tiếp tục hoàn thiện chế độ công chức, công vụ, hướng tới một nền công vụ hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả với mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù; phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào đặc thù yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và của địa phương, để ban hành chính sách vượt trội thu hút người có tài năng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Nguyễn Quân