“Tuyệt đối không phun khử khuẩn trực tiếp lên nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh khi đến cơ sở khám chữa bệnh và khi kết thúc cách ly về địa phương”, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu sau hơn 10 ngày thừa nhận việc phun khử khuẩn ngoài trời kém hiệu quả, gây hại cho người và môi trường xung quanh.

phun khu khuan 1
Một đội tình nguyện phun thuốc khử khuẩn tại khu phố 2, phường 14, quận 8, TP.HCM, tháng 7/2021. (Ảnh: thanhuytphcm.vn)

Tại văn bản ký ngày 13/8, Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các giám đốc Sở Y tế các địa phương, giám đốc các bệnh viện, thủ trưởng y tế các ngành ngừng ngay việc phun khử khuẩn lên đồ phòng hộ, quần áo, đồ dùng cá nhân của nhân viên y tế; người bệnh và người nhà bệnh nhân.

Theo Bộ Y tế, hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện hình ảnh một số cơ sở khám chữa bệnh chưa tuân thủ đúng các biện pháp vệ sinh môi trường bề mặt như: phun khử khuẩn môi trường trong và ngoài phòng bệnh; phun khử khuẩn lên người bệnh, người nhà người bệnh và đồ dùng cá nhân; phun khử khuẩn lên phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế; phun khử khuẩn lên chất thải…

“Việc lạm dụng phun khử khuẩn như trên không những không có hiệu quả để khử khuẩn không khí, bề mặt mà còn gây hậu quả nặng nề như ô nhiễm môi trường, lãng phí hóa chất, đặc biệt không an toàn cho sức khỏe của người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế” – Bộ này cho hay.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; thủ trưởng y tế các ngành; giám đốc các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện thuộc trường đại học chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không phun hóa chất khử khuẩn trong và ngoài phòng bệnh, lối đi, khu vực ngoại cảnh; chỉ phun khử khuẩn đối với bề mặt không thể lau và khi không có người trong khu vực đó. Các bề mặt nhiều người thường xuyên tiếp xúc như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, phím bấm cầu thang… thì khử khuẩn bằng cách lau.

“Tuyệt đối không phun khử khuẩn trực tiếp lên nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh khi đến cơ sở khám chữa bệnh và khi kết thúc cách ly về địa phương: quần áo, đồ dùng cá nhân; phương tiện phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế; chất thải và đồ vải” – Bộ Y tế nêu cụ thể.

Về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh, các bên liên quan được yêu cầu thực hiện theo nội dung nêu tại Quyết định 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trong đó, bề mặt sàn nhà, tường, hành lang cần phải được làm sạch và khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn phù hợp và được cấp phép. Những đám máu hoặc các chất thải, chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên sàn nhà, tường, hành lang phải được loại bỏ ngay bằng khăn tẩm hóa chất chứa Clo hoạt tính 0,5% (5.000 ppm), sau đó lau sạch bằng khăn sạch và lau lại lần 2 với Clo hoạt tính 0,1%.

Vệ sinh máy móc, giường tủ hàng ngày, ít nhất ngày 2 lần và khi cần (giữa hai người bệnh, khi người bệnh tử vong, chuyển hoặc ra viện) bằng hóa chất khử khuẩn phù hợp và được cấp phép…

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

EMA đang xem xét các tác dụng phụ có thể xảy ra của vắc-xin công nghệ mRNA