Ca mắc sởi gia tăng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu xử lý nghiêm người chống vắc-xin sởi
- Minh Long
- •
Thống kê, từ ngày 23/5 đến sáng ngày 12/8, tất cả các bệnh viện của TP.HCM ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi.
Chiều ngày 12/8, Sở Y tế TP.HCM họp toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị để rà soát và triển khai công tác phòng chống, kiểm soát bệnh sởi.
Động thái trên đưa ra trong bối cảnh số ca mắc sởi tại TP đang gia tăng.
Trung bình, một ca sởi lây cho từ 12-18 người, nhiều hơn COVID-19
Theo BS Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, từ ngày 23/5 đến sáng ngày 12/8, tất cả các bệnh viện của TP ghi nhận 597 ca sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, có 346 ca dương tính sởi. Các ca bệnh sởi có khoảng 50% bệnh nhân tại các tỉnh chuyển đến.
Các ca bệnh xuất hiện ở 57 phường xã, 16 quận huyện của thành phố. Trong đó, 9 quận huyện có 2 ca trở lên, trong khi đó, từ năm 2021-2023, cả TP chỉ có 1 ca bệnh sởi.
Về tiêm chủng, có 115 trẻ từ 9 tháng trở lên đủ điều kiện tiêm chủng thì có đến 73% trẻ chưa được tiêm mũi nào; 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Đến tháng 6/2024, tỷ lệ mũi sởi 1 năm 2023 chỉ đạt 89,2% trên toàn TP. Chưa có địa phương nào đạt trên 95%. Trong khi đó, để đảm bảo miễn dịch cộng đồng phải đạt từ tỷ lệ này trở lên. Tương tự, mũi sởi 2 cũng chưa đạt.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sởi là bệnh lây do virus sởi qua đường hô hấp. Trung bình, 1 ca sởi lây cho từ 12-18 người. Trong khi COVID-19, 1 ca lây cho từ 2-5 người. Như vậy, sởi là bệnh lây dữ dội hơn COVID-19.
Theo ông Châu, sởi không có thuốc điều trị đặc hiệu, đa phần tự khỏi. Tuy nhiên, bệnh sởi diễn tiến nặng trên trẻ suy giảm miễn dịch, mãn tính (ung thư, tim, thận…).
Ông Châu cho rằng cần nâng cao độ bao phủ vắc-xin, đạt 95% sẽ kiểm soát hoàn toàn dịch sởi. Trong bệnh viện, cần tránh lây nhiễm chéo.
Xử lý người chống vắc-xin sởi
Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng, sởi là dịch bệnh lưu hành, theo quy định mới là công bố dịch sởi và Sở đã có ý kiến gửi UBND TP.HCM. Hiện một số quận (9 quận) đủ điều kiện công bố dịch sởi, nhưng cũng phải công bố hết dịch khi đủ điều kiện.
Ông Thượng yêu cầu phải tiêm vắc-xin vét, tiêm bù cho trẻ; kể cả tiêm cho nhân viên y tế, người thân bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ;
Triển khai các giải pháp để bảo vệ trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc bệnh sởi, giảm tử vong.
Những cá nhân chống vắc-xin sẽ bị xử lý nghiêm, ông Thượng yêu cầu, bởi ông cho rằng vắc-xin sởi hàng chục năm nay đã bảo vệ cộng đồng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, đã có 3 trẻ tử vong do mắc bệnh sởi rải rác từ tháng 6 đến nay. Cụ thể, ca thứ nhất là bé gái 3 tuổi, có bệnh nền là suy giảm miễn dịch thể giảm kháng thể, chậm phát triển tâm vận, suy dinh dưỡng. Trẻ chưa được tiêm vắc-xin sởi. Trường hợp thứ 2 là bé gái 4 tháng tuổi, mắc hội chứng Cushing, tăng tuyến thượng thận, chưa đủ tuổi tiêm chủng. Trẻ thứ ba là bé trai 7 tuổi, bị bệnh bạch cầu cấp dòng lympho đã ghép tủy, suy tim và suy thận mạn, đã tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi. Cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị. |
Minh Long
Từ khóa TP.HCM vắc-xin sởi virus sởi