Chậm tiến độ hơn 10 năm, đội vốn 11.000 tỷ đồng, dự kiến đến quý 4/2022, đường sắt Nhổn – ga Hà Nội sẽ được khai thác toàn tuyến, do 624 lao động vận hành. 

tuyen metr nhon ga ha noi
Công nhân công trường tại dự án metro Tuyến số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, trong thời điểm dịch COVID-19, tháng 8/2020. (Ảnh: mrb.hanoi.gov.vn)

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5 km trên cao và 4km đi ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Dự án được khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010. Tuy nhiên, dự án bị dừng triển khai và đến tháng 9/2010, phải khởi công lần 2, tiến đô được lùi từ năm 2015 đến năm 2016, 2017, 2018… Tới tháng 3/2020, dự án hoàn thiện thi công gói thầu trên cao, chạy từ khu Depot (Nhổn, Bắc Từ Liêm) qua đường 32, Hồ Tùng Mậu, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy và kết thúc tại dốc hạ ngầm trên đường Kim Mã, cạnh hồ Thủ Lệ.

Ban quản lý Dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội cho biết hiện dự án vẫn đang được đẩy nhanh xây dựng, lắp đặt thiết bị, nghiệm thu trên hiện trường, và đào tạo nhân sự để vận hành.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) – đơn vị khai thác, vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội, trước mắt, cần 524 người khi dự án khai thác trước 8,5km đoạn trên cao, tới lúc khai thác toàn tuyến 12,5km cần 624 người. Trong đó, khoảng 478 người sẽ phải qua đào tạo nghiệp vụ khai thác, vận hành, bảo dưỡng và đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ.

Công ty này cho hay hiện đang tuyển dụng 40 nhân sự để cử đi đào tạo nghề lái tàu, mức thu nhập từ 13-15 triệu/tháng khi dự án vận hành chính thức, ưu tiên người biết tiếng Anh và có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm quản lý vận hành tàu; có kỹ năng phán đoán và xử lý tình huống khẩn cấp… Công ty cũng tuyển 447 nhân sự khác để đào vận hành, khai thác tuyến đường sắt này.

Theo Ban quản lý, kế hoạch trước đây là đưa đoàn tàu đầu tiên về nước vào tháng 7/2020 để vận hành thử, trước khi khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021. Từ giữa tháng 2/2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các gói thầu thiết kế, sản xuất và lắp đặt tàu bị chậm tiến độ nên phải lùi thời hạn.

Vào hồi tháng 5/2020, Ban quản lý cho biết nhà thầu đang sản xuất đoàn tàu thứ 4. Theo thiết kế, tuyến đường vận hành 10 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa, với chiều dài 80m (sau này có thể nối thêm 1 toa) với sức chở 944 khách, vận tốc tối đa 80 km/h.

Dự kiến đoàn tàu đầu tiên sẽ đưa về Việt Nam vào cuối năm, tháng 12/2020; tháng 1/2021 bắt đầu thi công đào ngầm đoạn tuyến đi ngầm. Sau khi vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021, đoạn đi ngầm dự kiến vận hành vào tháng 12/2022, hoàn tất khai thác toàn tuyến.

Dự án có mức vốn phê duyệt ban đầu là 783 triệu euro (khoảng 22.000 tỷ đồng), sau đó đội lên 1.176 triệu Euro (khoảng 33.000 tỷ đồng).

Trong đó, vốn vay ODA 899,68 triệu Euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp – AFD, Ngân hàng đầu tư Châu Âu (EIB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu Euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố Hà Nội.

Nguyễn Quân

Xem thêm: