Hà Nội muốn làm tiếp 2 tuyến đường sắt đô thị gần 106.000 tỷ đồng
- Kim Long
- •
Hai tuyến gồm: tuyến đường sắt đô thị số 3 (ga Hà Nội – Hoàng Mai) tổng 40.577 tỷ đồng và tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) tổng 65.404 tỷ đồng.
Ngày 22/4, tại Hội nghị thứ 23, Hà Nội đã thông qua việc thực hiện tiếp 2 tuyến đường sắt đô thị là tuyến số 3 (đoạn từ ga Hà Nội – Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc).
Theo đó, đoạn từ ga Hà Nội – Hoàng Mai sẽ là đoạn tuyến nối dài tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội ở ga Trung tâm (có kết nối tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến đường sắt quốc gia); kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 tại ga Hàng Bài; tuyến đường sắt đô thị số 4 tại đường Vành đai 2,5; tuyến đường sắt đô thị số 8 tại đường Vành đai 3.
Tổng chiều dài đoạn tuyến chính là 8,786km, trong đó chiều dài đi ngầm là 8,13km. Toàn tuyến có 7 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng.
Trong đó, vốn vay ODA và vay ưu đãi là 1.481,49 triệu USD, tương đương 34.297 tỷ đồng; vốn đối ứng trong nước là 271,29 triệu USD, tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án.
Dự kiến, dự án được khởi công từ năm 2022 và hoàn thành vào cuối năm 2028.
Tuyến Văn Cao – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Chiều dài toàn tuyến là 38,43km (6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất) bao gồm 21 ga (trong đó có 6 ga ngầm). Dự kiến, dự án hoàn thành vào năm 2025.
Khi đi vào hoạt động, tuyến đường sắt đô thị số 5 sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với tuyến số 2 (đang triển khai thiết kế kỹ thuật), tuyến số 3 (đang được xây dựng), tuyến số 4, số 6 (đang nghiên cứu), tuyến số 7, số 8 (đang quy hoạch).
Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội có nguy cơ chậm tiến độ Dự án metro Nhổn – ga Hà Nội do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư với quy mô toàn tuyến dài 12,5 km, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Trong đó, tuyến trên cao dài 8,5 km; tuyến đi ngầm dài 4 km với tổng mức đầu tư được điều chỉnh tăng từ 783 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro (tương đương gần 33.000 tỷ đồng) vào năm 2014. Giám đốc dự án của nhà thầu Posco E&C Lee Hwang Se cho biết hiện tiến độ các nhà ga trên cao đã đạt khoảng 80%, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về GPMB tại các nhà ga: S4, 5, 7, 8. Ông Lee Hwang Se cho hay phía nhà thầu đã đề xuất với chủ đầu tư và TP. Hà Nội giải quyết những vướng mắc về GPMB, thế nhưng đã rất lâu vẫn chưa có tiến triển để thúc đẩy tiến độ thi công dự án. “Nếu không GPMB kịp vào thời điểm này, chúng tôi không thể cam kết hoàn thành dự án theo tiến độ đã đề ra là hoàn thành tất cả hệ thống thang nối vào nhà ga vào cuối năm 2020” – ông Lee Hwang Se nói. |
Kim Long
Từ khóa tuyến đường sắt đô thị Hà Nội