GS Nguyễn Thiện Nhân cho hay để kinh tế tăng trưởng bền vững, lương tối thiểu cần tăng lên mức “lương đủ sống tối thiểu”, để một cặp vợ chồng đi làm đủ nuôi hai con, duy trì được mức sinh thay thế.

ong nguyen thien nhan
Hồi tháng 2/2024, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề hơn 5 năm qua, chỉ tiêu mức năng suất lao động đều không hoàn thành, dưới 5%/năm, kém xa mức mục tiêu trên 6,5%/năm. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận về Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM) cho rằng muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, cần thực hiện 2 lộ trình: thúc đẩy kinh tế và giữ vững được tỷ suất sinh thay thế.

Ông Nhân dẫn bài học rằng Nhật Bản đã tăng trưởng 2 con số trong 33 năm, nhưng sau đó 29 năm chứng kiến mức tăng trưởng trì trệ, bình quân không quá 1%/năm. Một trong những nguyên nhân là do không đảm bảo mức sinh thay thế, mức sinh không đạt để giải quyết vấn đề dân số già.

Vì vậy, vị đại biểu đề nghị Việt Nam từ khi bắt đầu đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số cần lưu ý đến tổng mức sinh, giữ vững tỷ suất sinh thay thế. “Đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng mức sinh lại không đạt thì là sai lầm. Hiện tại, chúng ta vẫn ở mức thấp, do đó khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao, cần phải đồng thời giữ vững tỷ suất sinh thay thế”, ông Nhân nói.

“Muốn một người phụ nữ sinh được 2 con thì lương của 1 người đi làm phải nuôi được mình và đứa con. Nói cách khác, lương 2 người đi làm phải nuôi được 4 người” – ông Nhân nói, cho biết thế giới gọi đây là “lương đủ sống”.

Với mức lương tối thiểu hiện nay, đại biểu Nhân cho rằng chỉ đủ trang trải cho người hưởng lương, không thể nuôi thêm con. Theo đó, nguyên nhân tỷ suất sinh không đạt mức thay thế là hai người đi làm không đủ nuôi hai con. Đây cũng là thực trạng của không ít quốc gia trên thế giới.

Dẫn chứng từ khảo sát tại TP.HCM, ông Nhân cho biết một gia đình có hai con cần thu nhập tối thiểu 20-21 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Tức là trung bình vợ hoặc chồng phải có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng I hiện nay là 4,96 triệu đồng.

Ông Nhân đề nghị lộ trình, từ năm 2025 – 2035, lương tối thiểu phải chuyển sang lương đủ sống tối thiểu. “Phải có lộ trình 10 năm tới, tăng lương tối thiểu lên gấp đôi”, ông Nhân nói, “nếu không tăng thì rất nhiều vợ chồng không sinh hoặc sinh ít vì không nuôi được”.

Ngoài thu nhập, theo ông Nhân, mức sinh còn phụ thuộc vào các yếu tố như nhà ở, giáo dục và y tế. Tuy nhiên, trước mắt cần ưu tiên cải thiện thu nhập cho người dân bởi theo kinh nghiệm quốc tế, nếu trong 25 năm không đảm bảo mức sinh thay thế thì sẽ xuất hiện một thế hệ thanh niên 30 tuổi không lập gia đình hoặc lập gia đình nhưng không sinh con.

Ông Nhân nhấn mạnh: “Việt Nam đang trong thời kỳ cơ hội vàng để nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Muốn phát triển bền vững, đây là thời điểm phải tăng lương để đảm bảo mức sống và khả năng nuôi dạy con cái”.

Nếu tăng lương, Việt Nam còn hấp dẫn đầu tư? – ông Nhân nêu vấn đề. Tuy nhiên, đại diện đoàn TP.HCM nhận định sẽ không có điều đó, vì dù “lương đủ sống” của Việt Nam có tăng cũng không thể bằng mức lương của nhân công nước họ.

“Lương đủ sống của Việt Nam chỉ bằng 27% lương tối thiểu của Hàn Quốc. So với Nhật Bản có mức lương 7,23 USD/giờ, Việt Nam chỉ bằng 26% lương tối thiểu của Nhật Bản. Nếu Việt Nam tăng lương lên mức đủ sống tối thiểu, thì cũng chỉ chiếm 12-27% so với lương tối thiểu của họ. 63-88% họ hưởng thêm lợi nhuận cũng là điều khá hấp dẫn. So sánh như vậy để thấy, lương đủ sống của Việt Nam vẫn đủ hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài”, theo ông Nhân.

Sơn Nguyên