Việt Nam đối diện tình trạng sinh thấp kỷ lục, già hóa dân số nhanh
- Sơn Nguyên
- •
Mức sinh của phụ nữ Việt Nam vào năm 2023 còn 1,96 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp nhất trong lịch sử. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và “siêu già” vào năm 2049.
- Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
- Việt Nam đề xuất phạt nặng việc lạm dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi
Thông tin trên được đưa ra tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Dân số thế giới do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức sáng 11/7 tại Hà Nội.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho hay Việt Nam đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 và tổng tỷ suất sinh (TFR) được duy trì ở mức 2 – 2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ suốt thời gian qua. Tuy nhiên, do xu thế mức sinh xuống thấp, Việt Nam có nguy cơ không duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.
Liên tục từ năm 2020 đến nay, mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành miền Nam kéo theo mức sinh của toàn quốc giảm. Năm 2023, mức sinh toàn quốc giảm còn 1,96 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp nhất trong lịch sử. Mức sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
“Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…”, ông Dũng đánh giá.
Cũng theo ông Dũng, năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.
Theo tin từ buổi công bố, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023.
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số “vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Điều này sẽ tiếp tục kéo dài tới năm 2029.
Tuy nhiên, dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và “siêu già” vào năm 2049. Sự chuyển đổi nhân khẩu học từ xã hội trẻ sang xã hội già sẽ gây ra những tác động đa chiều ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu.
“Điều này có nghĩa là chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho những thay đổi về nhân khẩu học và già hóa dân số. Các giải pháp có thể bao gồm việc gia tăng sự tham gia của lực lượng lao động, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Đồng thời, hỗ trợ phụ nữ tham gia vào thị trường lao động, cũng như đầu tư vào y tế và giáo dục”, bà Pauline Tamesis lưu ý.
Theo dự báo dân số Việt Nam 2019 – 2069 do Tổng cục Thống kê đưa ra năm 2020, giai đoạn 2026-2039, Việt Nam vẫn trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đã tăng và đạt trên 10%. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2-19,9%.
Sơn Nguyên
Từ khóa Già hóa dân số thời kỳ cơ cấu dân số vàng