Sau bão Yagi, Hà Nội thống kê có 11.756 cây gãy, đổ. Trong đó, chỉ có 12 cây gãy đổ còn nguyên bọc lưới, bọc nilon, vỏ bao xi măng.

cay gay do con nguyen bau nilon ha noi truy trach nhiem chu dau tu
Một cây xanh bị gãy đổ ở Chung cư Thái Hà, Cổ Nhuế 2, TP. Hà Nội, vẫn còn nguyên bọc bầu. (Ảnh: Người dân cung cấp/Trí Thức VN)

Chiều ngày 3/10, tại cuộc họp báo quý III của UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), đã cung cấp thông tin về cây xanh gãy đổ sau bão Yagi (bão số 3).

Ông Hưng cho biết theo thống kê với loại cây TP. Hà Nội quản lý thì có 11.756 cây gãy, đổ. Cây dựng lại được ngay tại chỗ là 3.513 cây, cây chuyển về vườn ươm để cứu là 608 cây; tổng số cây dựng tại chỗ và đưa về vườn ươm cứu là 4.103 cây.

Cây gãy, đổ không cứu được, phải cắt khúc chuyển về để đấu giá thanh lý là 7.635 cây. Tổng hợp cây quý hiếm, cây lịch sử, cổ thụ có 98 cây, trong đó cây quý hiếm, cây lịch sử là 35 cây. Trong đó, cứu được 33 cây, 2 cây không cứu được vì khi đổ thân bị toác sâu xuống gốc.

Với những cây xanh được phát hiện bị gãy đổ với nguyên vật liệu bọc bầu cây không được bóc ra khi trồng, ông Hưng cho biết có 12 cây như vậy, trong đó có 7 cây bọc bởi lưới, thuộc diện vật liệu không tiêu hủy; 5 cây bọc nilon, vỏ bao xi măng.

“Các cây bị bọc rễ sẽ không phát triển được, rất dễ đổ và trận bão vừa rồi thống kê được 12 cây trên hơn 11.000 cây đổ”, ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, việc đầu tư để trồng cây, Sở Xây dựng không làm, mà sau khi trồng cây xong, Sở đảm nhiệm việc duy tu, duy trì, cắt cây, tỉa cành, tưới cây – đây là một việc mà Sở Xây dựng phải chịu trách nhiệm.

Năm 2014, Sở Xây dựng đã rà soát 1 lần. “Với 12 cây này, chúng tôi tiếp tục truy tìm chủ đầu tư để chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Hưng nói.

Hiện tượng cây xanh bật gốc còn nguyên bầu từng xảy ra sau đợt mưa lớn giữa năm 2015. Khi đó, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định xác minh và xử lý nghiêm đơn vị làm sai.

Minh Long