Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư cảng Cần Giờ 50.000 tỷ đồng
- Minh Long
- •
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha; vốn đầu tư không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 16/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Mục tiêu của dự án là xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. UBND TP.HCM xác định các sản phẩm và dịch vụ cụ thể để đảm bảo hiệu quả của cảng trung chuyển quốc tế.
Dự án được thực hiện tại Cù lao Gò Con Chó, huyện Cần Giờ, TP.HCM với quy mô diện tích sử dụng đất khoảng 571 ha. Trong đó, gần 90ha đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển), với gần 83ha đất có rừng với hiện trạng rừng ngập mặn tự nhiên, gần 7ha còn lại không có rừng. 481ha còn lại là diện tích mặt nước.
Vốn đầu tư được xác định trên cơ sở đề xuất thực hiện dự án và đề án nghiên cứu Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và không thấp hơn 50.000 tỷ đồng.
Tại quyết định này, Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương chuyển đổi gần 83 ha đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.
Nhà đầu tư dự án sẽ được lựa chọn theo các quy định hiện hành. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.
Nhà đầu tư cũng không được chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trước đó, năm 2023, trong văn bản báo cáo gửi UBND TP.HCM về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đánh giá việc triển khai phát triển cảng trên trong giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết.
Việc này sẽ hỗ trợ hệ thống cảng biển TP.HCM, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Còn theo đánh giá sơ bộ tác động môi trường của đề án nghiên cứu xây dựng Cảng Cần Giờ, Công ty Tư vấn thiết kế kỹ thuật cảng – kỹ thuật biển (đơn vị tư vấn) cho rằng yếu tố nhạy cảm duy nhất của dự án là sử dụng một phần diện tích của rừng phòng hộ.
Tuy nhiên, theo đơn vị tư vấn, yếu tố này có thể giải quyết bằng đề án kỹ thuật điều tra, kiểm kê và định giá để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Ngoài ra, dự án sẽ được quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ cây xanh hơn 10% diện tích cho việc bảo tồn rừng phòng hộ và cây xanh.
Theo tính toán của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, cảng sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước thông qua thu thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, khoảng 34.000-40.000 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng sẽ tạo ra 6.000-8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.
Dự báo sơ bộ về lượng hàng hóa thông qua Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đến năm 2030 là 4,8 triệu TEU (1 TEU bằng 1 container 20 feet), đến năm 2047 là 16,9 triệu TEU.
Cần Giờ là một huyện ngoại thành, nằm ở phía Đông Nam của TP.HCM, là cửa ngõ vào thành phố bằng đường thủy. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển rừng thế giới đầu tiên của Việt Nam, được Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận (ngày 21/1/2000).
Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ có diện tích 75.740ha, bao gồm 31.000ha đất ngập nước, rừng ngập mặn và các sinh cảnh tự nhiên khác, được hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.
Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ là khu rừng ngập mặn rộng lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển khỏi xói lở và cung cấp môi trường sống cho quần thể động thực vật đa dạng trên cạn và thủy sinh. Đây cũng là nơi mang lại sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương.
Từ khóa TP.HCM huyện Cần Giờ Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ