Công an TP.HCM: Không xử phạt vi phạm khi nhường đường cho xe ưu tiên
- Nguyễn Sơn
- •
“Không còn cách nào khác, chúng ta phải vi phạm vì lợi ích lớn hơn, đó là nhường đường cho xe cứu thương hoặc xe đang làm nhiệm vụ.” – Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM trả lời phóng viên các cơ quan báo chí.
Tại họp báo tình hình kinh tế – xã hội TP. HCM thường kỳ, diễn ra tại Trung tâm Báo chí Thành phố chiều 16/1, câu hỏi việc có nên hay không nhường đường cho xe ưu tiên khi đang dừng đèn đỏ, Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho hay Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ không xử phạt hành vi vi phạm trong tình thế cấp thiết.
Cụ thể, khoản 1 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Không xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp thực hiện hành vi hành chính trong tình thế cấp thiết”.
Do đó, trong tình huống có xe ưu tiên, người dân có thể vượt đèn đỏ để nhường đường mà không bị xử phạt hành chính.
“Tức là không có cách nào khác, chúng ta nhường đường cho xe ưu tiên. Chúng ta phải vi phạm để nhường đường vì lợi ích lớn hơn, nhường đường cho xe cứu thương, xe đang làm nhiệm vụ. Những trường hợp đó thì không bị xử phạt” – Thượng tá Hà khẳng định.
Theo Thượng tá Hà, nếu rơi vào trường hợp trên mà người dân bị xử phạt, thì đó là do người thực thi nhiệm vụ áp dụng sai quy định pháp luật.
Thượng tá Hà cho hay Nghị định 168 có hiệu lực đồng thời với thời điểm cận Tết Nguyên đán. Theo đó, mật độ phương tiện giao thông tăng do nhu cầu đi lại của người dân để mua sắm Tết, vận chuyển hàng hóa và hành khách, gây ra kẹt xe và ùn ứ cục bộ trên một số tuyến đường.
Có bất cập như xe máy không được phép rẽ phải (hoặc đi thẳng) khi đèn đỏ ở một số giao lộ, gây ùn tắc giao thông. Do đó, Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai một số giải pháp nhằm giảm lưu lượng xe tập trung tại các giao lộ như bổ sung đèn báo hiệu cho phép xe 2 bánh rẽ phải (hoặc đi thẳng) khi đèn đỏ; điều chỉnh thời lượng chu kỳ đèn hợp lý giữa các chiều đường; sửa chữa các đèn hư hỏng…
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ bổ sung các đèn tín hiệu giao thông cho xe 2 bánh rẽ phải khi đèn đỏ nhằm giảm áp lực dòng phương tiện dừng chờ đèn đỏ.
Đối với tình trạng xe dừng chờ đèn đỏ chắn lối đi cho xe máy rẽ phải, Thượng tá Hà nhìn nhận nguyên nhân do người dân thiếu quan sát biển báo để nhường đường cho xe phía sau. Thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ đề xuất Sở GTVT nghiên cứu bổ sung phân làn đường và sơn chỉ dẫn để khắc phục tình trạng trên.
“Dòng phương tiện kéo dài ra chứ không hẳn là ùn tắc”
Cũng liên quan việc áp dụng nghị định mới trong lĩnh vực giao thông, ông Đỗ Ngọc Hải – Trưởng Phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình (Sở GTVT) cho biết tính riêng từ đầu năm 2025 đến nay, lưu lượng tham gia giao thông tại TP.HCM tăng 11% so với cùng kỳ. Đồng thời, khu vực trung tâm TP có khá nhiều lễ hội được tổ chức nên phải điều tiết phương tiện sang các tuyến đường khác, khiến áp lực giao thông gia tăng ở một số tuyến đường.
“Nghị định 168 đã giúp các phương tiện tham gia giao thông ngăn nắp, trật tự hơn… Khi người dân lưu thông trật tự thì dù dòng phương tiện kéo dài ra chứ không hẳn dẫn đến ùn tắc đường”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Thành Lợi – Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho hay hiện các lỗi vi phạm như chạy xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ,… đã giảm đi nhiều. Số vụ tai nạn giao thông cũng giảm rất sâu so với cùng kỳ và những ngày liền kề. Tuy nhiên, tình hình đông đúc, ùn ứ ở tuyến đường huyết mạch, trọng điểm xảy ra thường xuyên, hầu hết các khung giờ trong ngày.
Cuối năm là thời điểm người dân đi mua sắm và vận chuyển hàng hóa, rong khi đó, hệ thống hạ tầng đường sá giao thông của TP vẫn chưa đáp ứng kịp nên dẫn đến quá tải.
Cùng lúc đó, Nghị định 168 có hiệu lực, người dân không còn leo lề đường nên lưu lượng giao thông dưới lòng đường cũng sẽ đông hơn.
“Hiện nay TP đang quản lý hơn 10 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1 triệu là xe ô tô và số còn lại là xe gắn máy. Chưa kể một lượng lớn phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đến… Với mật độ phương tiện nhiều như vậy thì lượng phương tiện ở lòng đường sẽ đông, dòng người chờ khi dừng đèn đỏ sẽ kéo dài”, ông Lợi nói.
Ông Lợi nói rõ thêm vạch kẻ dành cho cho người đi bộ được đặt sau vạch dừng đèn đỏ (theo hướng của phương tiện giao thông tiến đến). Đối với các phương tiện được phép rẽ phải tại các giao lộ khi đèn đỏ, phải tuyệt đối ưu tiên nhường đường cho người đi bộ và người khuyết tật trên đúng phần đường ưu tiên.
Đại diện Ban An toàn Giao thông TP cho hay vừa qua, đơn vị đã kiến nghị các đơn vị chức năng có khảo sát, đánh giá và xác định lắp đặt đèn tín hiệu được phép rẽ phải khi đèn đỏ ở những vị trí thật sự cần thiết, nhằm giải phóng phương tiện và giảm bớt ùn tắc giao thông.
Theo ông Lợi, hạn chế lắp đặt đèn này ở những nơi không cần thiết, nhằm tránh lãng phí về nguồn lực tài chính, vật chất, và vô tình tạo điều kiện để cho thói quen rẽ phải khi đèn đỏ dù là ở những khu vực không cho phép rẽ.
TP.HCM: Lắp 1.900 đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải; huy động nhân lực điều tiết giao thôngTrưởng phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình Sở Giao thông vận tải TP.HCM Đỗ Ngọc Hải cho biết, thành phố đã rà soát 524 giao lộ cần lắp đặt đèn tín hiệu giao thông và đèn rẽ phải. Tại cuộc họp ngày 10/1 do Sở Giao thông vận tải chủ trì, các cơ quan chức năng đã đề xuất gắn khoảng 1900 đèn, chia làm hai đợt. Trong đó, đợt 1, thành phố có kế hoạch gắn khoảng 500 đèn và hiện đã lắp được 80 bộ đèn tại 38 giao lộ. Bên cạnh đó, để giải tỏa áp lực giao thông cuối năm, đại diện Sở GTVT cho biết sẽ huy động thêm lực lượng thanh niên xung phong, đoàn viên thanh niên… phối hợp điều tiết giao thông. Cùng với các địa phương chủ động rà soát các tuyến hẻm để hỗ trợ giải tỏa các tuyến đường chính. |
Nguyễn Sơn
Từ khóa kẹt xe tắc đường nhường đường cho xe cấp cứu nghị định 168 nhường đường cho xe cứu hỏa