Thông tin trên nằm trong nội dung do đại diện Bộ Y tế công bố về kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong năm 2015 tại 63/63 tỉnh thành, vào ngày 8/9.

Năm 2015, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại ở nam giới là trên 44%, tăng 19% so với năm 2010. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)
Năm 2015, tỷ lệ uống rượu bia ở mức nguy hại ở nam giới là trên 44%, tăng 19% so với năm 2010. (Ảnh minh họa/Sưu tầm)

Theo đó, sử dụng thuốc lá và rượu bia được xếp lên hàng đầu trong các yếu tố đang bị nghi là nguyên nhân gây nên các chứng bệnh không lây nhiễm. Theo số liệu điều tra GATS 2015, dành cho người từ 15 tuổi trở lên, tỷ lệ người hút thuốc trung bình trên cả nước hiện tại là 22,5%. Tỷ lệ này ở nam giới cao tới 45,3% và 1,1% đối với nữ.

Về chỉ số tiêu thụ rượu bia, tỷ lệ người hiện tại uống rượu bia (tính trong khoảng thời gian 1 tháng) trung bình trên toàn quốc là 43,8%; 77,3% ở nam giới và 11,1% ở nữ giới.

Trong đó, tỷ lệ nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại ở mức trên 44%, tăng 19% so với năm 2010. Uống rượu hơn mức vừa phải có thể dẫn đến tổn thương gan không phục hồi và tăng nguy cơ ung thư gan. Bà Phạm Hoàng Anh, giám đốc Tổ chức Heath Bridge Canada và là một chuyên gia về ung thư cho hay, rượu bia là yếu tố nguy cơ dẫn đến 8 loại ung thư như miệng, thực quản, gan…

bệnh do rượu bia
Bảng thông tin tóm tắt kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015. (Nguồn: vncdc.gov.vn) (Nhấn vào hình để phóng to)

Về chỉ số thực hành dinh dưỡng và lối sống giúp giảm nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm, 10% người Việt luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối. Mức độ tiêu thụ muối trung bình của người Việt lên tới 9,4 gr muối/người/ngày, cao gần gấp đôi khuyến cáo của WHO là 5 gr muối/người/ngày. Đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch, huyết áp…

Có trên 28% người ở lứa tuổi 18 – 69 không dành đủ thời gian cho các hoạt động thể lực (150 phút/tuần cho hoạt động thể lực ở mức trung bình). Tỷ lệ người không tham gia hoạt động cường độ cao là 66%.

31,5% phụ nữ Việt Nam (từ 30-49 tuổi) đã từng được khám và làm nghiệm pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Kết quả điều tra cũng xác định, tới năm 2025, để giảm các bệnh không lây nhiễm, người Việt Nam phải giảm 25% về tình trạng lạm dụng rượu, giảm 30% về lượng thuốc lá sử dụng, giảm 30% muối trong thói quen dinh dưỡng, tăng lượng rau xanh, trái cây và dành thời gian cho các hoạt động thể lực, như đi bộ, tập dưỡng sinh, khiêu vũ (30 phút/ngày), hoặc đá bóng, chơi tennis (trung bình 15 phút/ngày)…

Lê Trai

Xem thêm: