Theo báo cáo của Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường năm 2012, trong 10 năm nữa, nếu không quan tâm tới phát triển môi trường, GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất 3% GDP. Chưa cần phải chờ tới 10 năm, trong nửa năm 2016 nông nghiệp của Việt Nam đã xuất hiện tăng trưởng âm.

(Ảnh: baogiaothong.vn)
Ô nhiễm môi trường biển do Fomosa gây ra làm cá chết hàng loạt ở miền Trung. (Ảnh: baogiaothong.vn)

Tốc độ tăng trưởng âm ở ngành nông lâm nghiệp và thủy sản ở Việt Nam trong 6 tháng vừa qua đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về tác động biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trong đó, ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tăng trưởng âm nửa đầu năm 2016 là xâm ngập mặn tại Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long, rét đậm rét hại tại các tỉnh miền núi phía Bắc và sự cố môi trường biển tại miền Trung.

Xâm ngập mặn tấn công khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long gây thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha… Ước tính hạn hán, xâm ngập mặn đã làm thiệt hại trên 15.000 tỷ đồng.

(Ảnh: laodong.com.vn)
(Ảnh: laodong.com.vn)

Chỉ trong 3 ngày rét đậm, rét hại tại các tỉnh phía Bắc (26-28/1/2016), đã có hơn 50 nghìn con gia súc, gia cầm chết, diện tích lúa, mạ, hoa màu thiệt hại tới 35 ngàn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại hơn 900 ha. Ước tính thiệt hại lên tới 400 tỷ đồng.

Sự cố ô nhiễm môi trường biển do Công ty Formosa tại 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gây hậu quả nghiêm trọng, hủy hoại môi trường biển, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống ngư dân mà còn tác động xấu đến phát triển các ngành sản xuất khác, xuất khẩu và du lịch… Hơn 100.000 người mất công việc làm ổn định. Thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng khoảng 1.600 tấn/tháng; diện tích nuôi thủy sản bị ảnh hưởng hơn 3500 ha. Ước tính thiệt hại tại khu vực trong 6 tháng đầu năm hơn 4000 tỷ đồng.

Tình cảnh Việt Nam giờ không khác mấy các cảnh báo về rủi ro môi trường và biến đổi khí hậu mà các chuyên gia nhiều lần đưa ra. Trong báo cáo Xây dựng nền kinh tế xanh năm 2012, Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết:

Các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường liên đới mật thiết với nhau, và đều xuất phát từ các sai lầm của chính phủ và thị trường, khi để lợi ích kinh tế ngắn hạn đã vượt quá chi phí mà toàn xã hội phải gánh chịu cũng như khiến thế hệ tương lai và thế giới tự nhiên phải trả giá”.

Công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ ngành trong suốt 6 tháng qua liên tục phải đối phó, ứng phó với các sự cố, thiên tai ngày một nghiêm trọng, chưa dành nguồn lực và công sức hợp lý để chủ động thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra: “Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế – xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu”. (Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020).

Đã đến lúc chính phủ, người dân cần trầm tĩnh nhìn nhận một cách nghiêm túc về chiến lược phát triển mục tiêu của Việt Nam là gì. Liệu tăng trưởng GDP có phải là mục tiêu duy nhất? Chiến lược phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững của Việt Nam đang ở giai đoạn nào? Cũng chính là lúc chúng ta cần làm rõ nội hàm của kinh tế xanh, phát triển xanh bền vững phù hợp với điều kiện, kinh tế xã hội của đất nước, con người Việt Nam để không bị cuộn trong những rủi ro của ô nhiễm môi trường, của biến đổi khí hậu.

Sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, sáng kiến về nền kinh tế xanh được Chương trình môi trường của Liên Hợp quốc (UNEP) lần đầu tiên đưa ra vào năm 2008. Sáng kiến được nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ và coi đó như lối thoát cho khủng hoảng, tiến tới phát triển bền vững. 65 quốc gia đã cam kết xây dựng nền kinh tế xanh và các chiến lược liên quan, và 48 nước (trong đó có Việt Nam) đang triển khai các bước để xây dựng nền Kinh tế xanh.

Hương Mai

Xem thêm: