Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất mức phí 1.300-1.500 đồng/km đối với ôtô dưới 12 chỗ trên đường cao tốc đạt chuẩn do nhà nước đầu tư. Với cao tốc chưa đạt chuẩn, mức phí thấp nhất là 900 đồng/km với xe dưới 12 chỗ, cao nhất là 3.600 đồng/km với xe trên 18 tấn.

tram thu phi tuy loan
Trạm thu phí Tuý Loan trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC vận hành, khai thác. (Ảnh: cmsc.gov.vn)

Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ GTVT dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí đường bộ cao tốc.

Theo đó, Cục Đường bộ đề xuất mức phí đối với các tuyến cao tốc được đầu tư đồng bộ theo quy chuẩn, đã có trạm dừng nghỉ, đường gom, hệ thống thu phí không dừng. Trên đường có 4 làn xe, mức phí thấp nhất là 1.300 đồng/km với xe nhóm 1 (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), cao nhất là 5.200 đồng/km với xe nhóm 5 (xe tải trên 18 tấn, container 40ft). Đường có 4 làn xe trở lên có mức phí thấp nhất là 1.500 đồng/km với xe nhóm 1, cao nhất là 6.000 đồng/km với xe nhóm 5.

Đường cao tốc chưa đạt tiêu chuẩn như chưa có trạm dừng nghỉ, đường gom… thì mức phí thấp hơn. Cụ thể, trên tuyến có 4 làn xe hạn chế mức phí thấp nhất là 900 đồng/km với xe nhóm 1, cao nhất là 3.600 đồng/km với xe nhóm 5. Đường cao tốc có 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp liên tục, phí thấp nhất là 1.000 đồng/km, cao nhất là 4.000 đồng/km. Đường cao tốc có 4 làn xe trở lên, mức thấp nhất là 1.100 đồng/km, mức cao nhất là 4.400 đồng/km.

Cục Đường bộ Việt Nam ước tính với phương án như trên, số phí thu các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư có thể đạt 3.210 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách Nhà nước là 2.850 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện 12 dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác, có thể thu phí như Lào Cai – Kim Thành, Hà Nội – Thái Nguyên, TP.HCM – Trung Lương, Cao Bồ – Mai Sơn, Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây, Mỹ Thuận – Cần Thơ.

Theo tờ trình của Bộ GTVT về vấn đề này hồi tháng 7/2023, ước tính đến năm 2030, Việt Nam cần 813.000 tỷ đồng đầu tư cao tốc, trong đó đến 2025 cần 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.000km và khởi công 925km.

Trong 10 năm tới, ngân sách cần đầu tư 239.000 tỷ đồng xây mới cao tốc, bình quân 24.000 tỷ đồng/năm.

Bình luận về việc thu phí cao tốc trên, bạn đọc trieulanhuong03 trên tờ Vnexpress nói: “Nếu vậy thì dừng thu phí đường bộ. Hiện tại tôi đi qua dự án thu phí BOT ở Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, TP Thủ Đức chất lượng mặt đường quá xấu mà vẫn thu phí.”

Còn bạn khác cho rằng: “Nếu như đóng phí cao tốc, thì tôi nên nghĩ phải mua lại các trạm BOT trên đường quốc lộ . Để người dân muốn đi nhanh hơn thì phải trả phí cao tốc , còn đi chậm hơn thì chọn đi quốc lộ thì hợp lý hơn!”.

Tài khoản sunguyen1098 nhận định: “Thu cao không phải mỗi mình tài xế chịu đâu. Nó còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế đấy. Hàng hoá lưu thông ở mức phí cao thì người gánh chịu là người dân chứ không phải doanh nghiệp. Chi phí cao thì tất cả các mặt hàng đều phải tăng giá để bù đắp vào chi phí.”

Một bạn đọc cho biết: “Cao tốc mà tốc độ tối đa cho phép 80km/h. Chậm hơn cả quốc lộ. Tốc độ trung bình khai thác chắc được 50km/h do phải bò theo đoàn xe đi tốc độ rùa bò. Khi nào đạt tốc độ 120km/h thì mới nên thu phí.”

“Thu thì thu phí cho hợp lý, cao tốc 2 làm chạy 80 km/h thu 2.000 đồng/km như Trung Lương – Mỹ Thuận thì không hợp lý chút nào. Đề xuất cao tốc do nhà nước đầu tư chỉ thu phí từ 1.500 đồng/km cho tuyến cao tốc có tốc độ 120km/h, tuyến 80km/h thì 1.000 đồng/km, 100km/h thì 1.200 đồng (đối với xe con), còn xe tải mình không chạy nên không có ý kiến”, độc giả dtnlanh229 đề xuất.

Thu phí cao tốc đầu tư bằng tiền ngân sách: Chuyên gia cho rằng người dân gánh nhiều loại thuế phí

Trong bối cảnh người dân sở hữu ô tô đang gánh rất nhiều loại thuế phí, trao đổi với báo Dân Trí, chuyên gia cho rằng việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ xảy ra tình trạng “phí chồng phí” và điều này là bất cập.

“Tiền thuế của người dân đã nộp về ngân sách và dùng tiền đó để đầu tư, bây giờ tiếp tục thu phí khác nào người dân phải nộp 2 lần thuế”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Ông Long nhận định việc thu phí trên vô lý, tạo áp lực lớn lên người dân, doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, phát sinh các chi phí khác kèm theo và khiến cho giá cả của hàng hóa tăng theo chi phí vận chuyển.

Hiện nay, khi sở hữu xe ô tô mới tại thị trường Việt Nam, ngoài số tiền mua ô tô, người tiêu dùng còn phải chuẩn bị trả thêm các khoản không nhỏ cho các loại thuế, phí, để chiếc xe có thể hợp pháp lăn bánh. Do đó người mua sẽ tốn thêm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi chiếc ô tô mới.

Theo quy định, một chiếc xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tại Việt Nam đang phải chịu 8 loại thuế và phí khác nhau. Trong khi đó, xe ô tô lắp ráp trong nước không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn còn 7 loại thuế và phí khác.

Cụ thể gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí kiểm định, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển ô tô và phí bảo hiểm dân sự bắt buộc.

Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư cần phải tính toán cẩn trọng về mức thu sao cho hợp lý, có thể thu thấp hơn 20% – 30% so với mặt bằng chung.

Khánh Vy