Cục Hàng không Việt Nam đề xuất bổ sung thêm 9 sân bay
- Kim Long
- •
Bộ GTVT vừa nhận được đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam về việc tiếp tục nghiên cứu, đưa vào quy hoạch 9 sân bay mới khi đủ điều kiện.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết tháng 11 đơn vị đã làm việc với 10 tỉnh, thành có đề nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Tại mỗi buổi làm việc, các đơn vị tư vấn nêu rõ kết quả nghiên cứu, đánh giá về khả năng bố trí, quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay gồm: Tân Quang (Hà Giang), Yên Bái, Na Hang (Tuyên Quang), Hà Tĩnh, Măng Đen (Kon Tum), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa), Đắk Nông, Tây Ninh.
Các địa phương được yêu cầu lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.
Với đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về quy hoạch sân bay Mộc Châu, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng vị trí khu đất trong rừng quốc gia Mộc Châu có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng.
UBND tỉnh Sơn La cũng đã đánh giá việc đầu tư thêm cảng mới tại Mộc Châu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của sân bay Nà Sản và vị trí cách xa trung tâm hành chính TP. Sơn La. Do đó, tỉnh Sơn La đã đề nghị Mộc Châu chỉ là sân bay chuyên dùng (sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng để chở hành khách, hàng hóa mà không phải vận chuyển công cộng).
Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TEDI – đơn vị tư vấn lập quy hoạch, nếu các sân bay mới không có xung đột về vùng trời, lại có doanh nghiệp cam kết bỏ vốn đầu tư thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch. Hiện kinh tế các địa phương phát triển nhanh nên quy hoạch hàng không cần có tính động, tính mở để tạo thuận lợi cho địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng.
TEDI đánh giá kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay của các địa phương đều hợp lý, rõ nhất là Hà Giang. Trong bối cảnh xây cao tốc kết nối địa phương này với Hà Nội chi phí lớn, kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư một sân bay có quy mô hợp lý, chi phí thấp hơn có thể mang lại cú hích trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, độc giả Hữu Hưng nhận định “hiện có quá nhiều sân bay, trong khi 22 sân bay hiện tại chỉ có 6 sân bay có lãi, 6 sân bay này phải gánh cho cả hệ thống, thì quy hoạch thêm làm gì khi các tỉnh này nhu cầu thấp, dân số ít và khoảng cách đến các sân bay kia vừa đủ, không xa lắm.
Như sân bay Vân Phong (Khánh Hòa), Khánh Hòa đã có sân bay Cam Ranh, phía trên đã có sân bay Tuy Hòa, bên trái có sân bay Buôn Mê Thuột, bên dưới có sân bay Liên Khương, tất cả hình thành tuyến du lịch và cũng thuận tiện cho người dân di chuyển rồi.
Sân bay Măng Đen hay Đắk Nông và Tây Ninh cũng vậy, quy hoạch xây dựng làm gì khi sân bay Long Thành đang xây dựng và khai thác trở thành sân bay quốc tế. Thay vì xây dựng đại trà như thế thì nên đầu tư nâng cấp các sân bay quốc nội hiện tại để đạt chuẩn sân bay quốc tế từ đó góp phần tăng chuyến bay và tần suất các chuyến bay và xây dựng các cao tốc nối liền các địa phương với nhau thì nhu cầu đi lại giữa các tỉnh thành không có sân bay và có sân bay dễ dàng hơn”.
Nhiều chuyên gia hàng không cũng đã chỉ ra nhiều điểm bất lợi khi xây quá nhiều sân bay.
Báo Vnexpress dẫn lời chuyên gia Nguyễn Bách Tùng cho rằng nhiều tỉnh có sân bay thì lưu lượng hành khách bị san sẻ, công suất khai thác của mỗi sân đều giảm. Sân bay nội địa hiện phần lớn có công suất dưới một triệu hành khách mỗi năm, nhiều nơi chưa đạt công suất thiết kế như Vân Đồn, Cần Thơ, Chu Lai… Việc đầu tư sân bay ở vùng núi, nơi dân cư thưa thớt, sẽ không tránh khỏi tình trạng vắng khách.
Địa hình vùng núi không thuận lợi cho hoạt động bay cũng là vấn đề cần tính toán. Theo ông Tùng, Na Hang (Tuyên Quang), Mộc Châu (Sơn La) có nhiều núi đá, thời tiết sương mù. Sân bay không chỉ gồm đường băng, nhà ga, sân đỗ mà cần có thêm khoảng 15 km mỗi đầu đường băng để tổ chức vùng trời, đảm bảo các yếu tố về tĩnh không, hướng gió…
Ông Phạm Văn Tới, Phó chủ tịch Hội khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, dẫn chứng tỉnh Tuyên Quang từng có sân bay dịch vụ hàng không song nhu cầu hành khách đi lại thấp nên xóa bỏ. Với miền núi, nhu cầu đi lại hàng năm chỉ vài chục nghìn khách thì đầu tư sân bay sẽ khó thu hồi vốn.
Trong khi đó, để đầu tư sân bay công suất một triệu hành khách mỗi năm thì phải cần khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng, diện tích đất phải giải phóng mặt bằng khoảng 300-500 ha.
Hiện Việt Nam có 22 sân bay dân dụng. Theo tính toán của tư vấn, giai đoạn 2020-2030, vận tải hành khách hàng không dự kiến tăng trưởng 7,5-8%, vận tải hàng hóa 8,4-9,7%, phù hợp với 28 sân bay đến năm 2030 và 31 sân đến năm 2050.
Trước đó, cuối năm 2021, Bộ GTVT trình Chính phủ dự thảo quy hoạch cảng hàng không toàn quốc, giai đoạn 2021-2030 có 28 cảng gồm: 14 cảng quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc); 14 cảng quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo).
Kim Long
Từ khóa Cục Hàng Không Việt Nam Bộ GTVT xây dựng sân bay quy hoạch Cảng hàng không