Đại biểu Nguyễn Như So chỉ rõ vụ gần 600 loại sữa giả là điển hình của buông lỏng, thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý trong kiểm soát chất lượng hàng hóa.

dai bieu quoc hoi vu gan 600 loai sua gia la dien hinh cua buong long quan ly
Đại biểu Nguyễn Như So. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 6/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Vụ việc 573 loại sữa giả được sản xuất và lưu hành công khai trong 4 năm, thu gần 500 tỷ đồng, trở thành tâm điểm.

Ông Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần DABACO Việt Nam, cho rằng vụ việc không chỉ là trường hợp cá biệt mà còn là dấu hiệu của lỗ hổng hệ thống trong thiết kế chính sách và thực thi.

Theo ông, sự chồng chéo và thiếu thống nhất trong phân công trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương khiến không cơ quan nào chịu trách nhiệm toàn diện.

“Khi hậu quả xảy ra, việc quy trách nhiệm trở nên mơ hồ vì tất cả đều liên quan nhưng không ai là đầu mối chịu trách nhiệm cuối cùng, dẫn đến tình trạng đùn đẩy”, ông So nhấn mạnh.

Ông So đánh giá cơ chế hậu kiểm là định hướng đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và cải cách thủ tục hành chính, nhưng thiếu năng lực hậu kiểm, thiếu phối hợp và liên thông giữa các cơ quan quản lý đã tạo kẽ hở để lợi dụng, né tránh trách nhiệm.

Ông đề nghị dự luật cần minh bạch, phân định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành theo lĩnh vực, thiết lập cơ quan chủ trì và cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường hậu kiểm với chế tài mạnh để kiểm soát chất lượng hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM), Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, nhấn mạnh hậu kiểm là yếu tố quan trọng nhưng đang gặp nhiều rào cản.

Với 300.000 sản phẩm tại TP.HCM, việc kiểm tra toàn bộ là không khả thi do thiếu nguồn lực. Bà đề xuất áp dụng khoa học công nghệ để xử lý giấy tờ, nhưng vẫn cần lực lượng thực tế để thanh tra, điều tra. Bà cũng kêu gọi quy định rõ tần suất kiểm tra và điều kiện thực hiện, đồng thời xã hội hóa việc kiểm định chất lượng hàng hóa.

Bà Lan đề xuất nghiên cứu cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là những sản phẩm được nhà nước tuyên bố “an toàn” nhưng thực tế là hàng giả.

“Cơ chế này sẽ giúp người dân tránh thiệt thòi, tạo động lực tố cáo sản phẩm lỗi, thay vì phải chịu đựng”, bà Lan nói và cho hay hiện nay khi chưa có quy định bồi thường rõ ràng, người dân thường “nuốt đắng” khi gặp vấn đề.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh) đề nghị xem xét bỏ yêu cầu công bố hợp quy đối với hàng hóa nhập khẩu có rủi ro trung bình, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm thủ tục, trao quyền tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp. Bà lo ngại quy định hiện tại có thể gây khó khăn trong đàm phán thương mại quốc tế, đặc biệt với hàng nông lâm thủy sản. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá tác động kỹ lưỡng để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Nguyễn Minh Đức, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, bày tỏ lo ngại về ranh giới pháp lý giữa hàng giả và hàng kém chất lượng. Ông cho rằng các văn bản hiện hành chưa rõ ràng, dẫn đến tranh cãi khi cơ quan chức năng phát hiện 573 loại sữa giả, với nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là “sữa kém chất lượng”.

Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ trẻ sơ sinh, trẻ em, phụ nữ có thai và người già, gây nguy cơ hậu quả lâu dài khó lường. Ông đề nghị dự luật phân định rõ hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng suy giảm chất lượng do vận chuyển, bảo quản, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý chuyên ngành về thực phẩm và thuốc.

Trước đó, ngày 15/4, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán 573 loại sữa bột giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai. Các bị can gồm Hoàng Mạnh Hà, Vũ Mạnh Cường, Đặng Trung Kiên (Giám đốc, Phó giám đốc, cổ đông của Công ty Cổ phần Rance Pharma và Công ty Cổ phần Hacofood Group) cùng 4 người khác, bị cáo buộc về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Bị can Hà và Cường bị cho là đứng đầu đường dây.

Công an xác định 12 loại sữa bột có chỉ tiêu chất lượng dưới 70% so với công bố, được xem là hàng giả, trong khi 72 sản phẩm còn lại đang được làm rõ. Thủ đoạn chính là lợi dụng quy định doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, tự công bố chỉ tiêu chất lượng mà không chịu kiểm tra, kiểm nghiệm trước khi lưu hành. Công an đề nghị bổ sung quy định quản lý an toàn thực phẩm để hạn chế kẽ hở.

Bộ Công Thương cho biết sữa có vi chất dinh dưỡng thuộc quản lý của Bộ Y tế, trong khi Bộ Y tế khẳng định việc kiểm soát theo cơ chế hậu kiểm và đã giao phần lớn cho địa phương. Sự thiếu thống nhất này góp phần tạo lỗ hổng trong quản lý.

Minh Long