ĐBQH đề nghị làm rõ nguồn thu, chi của Quỹ Nhà ở quốc gia
- Minh Long
- •
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết phát triển nhà ở xã hội, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần bổ sung quy định cụ thể về Quỹ Nhà ở quốc gia, bao gồm nguồn thu, chi và mô hình hoạt động, để tránh chồng chéo.
- Việt Nam nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
- Sau kiểm tra, nhiều cán bộ, công chức ở Đồng Nai xin trả nhà ở xã hội

Ngày 21/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Bà Nguyễn Thị Lệ, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, nhận định việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là cần thiết để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, bà cho rằng các quy định về Quỹ trong dự thảo còn chung chung, chưa nêu rõ cơ quan quản lý, mô hình tổ chức hoạt động, nguồn thu và nhiệm vụ chi.
Bà Lệ đề nghị Nghị quyết cần quy định chi tiết các nội dung này làm cơ sở để Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn.
Về nguồn thu của Quỹ, dự thảo quy định bao gồm tiền từ việc đóng góp tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công, ngân sách nhà nước cấp, và nguồn hỗ trợ tự nguyện từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Bà Lệ nhấn mạnh nếu không phân định rõ nguồn thu giữa Quỹ ở Trung ương và địa phương, sẽ dẫn đến chồng chéo và khó thực hiện. Bà đề xuất cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của Quỹ ở từng cấp để đảm bảo huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Bà Lệ cũng lưu ý, Khoản 1 Điều 11 dự thảo quy định ưu tiên sử dụng nguồn thu từ quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.
Quy định này mâu thuẫn với cơ chế quản lý nguồn thu ở Khoản 2 Điều 4, cần được xem xét lại.
Ngoài ra, một số địa phương như TP.HCM vẫn duy trì Quỹ Phát triển nhà ở, nhưng nguồn vốn hạn chế khiến việc đầu tư nhà ở xã hội chưa hiệu quả. Nếu Quỹ Nhà ở quốc gia được thành lập ở địa phương, cần đánh giá để tránh trùng lặp chức năng với các quỹ hiện có và đảm bảo nguồn lực hoạt động.
Về chức năng của Quỹ, bà Lệ cho biết Khoản 3 Điều 4 quy định Quỹ không chỉ tạo lập nhà ở xã hội mà còn đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê hoặc thuê mua.
Tuy nhiên, quy định này chưa làm rõ loại hình nhà ở cho các đối tượng này, gây khó khăn trong xác định theo luật nhà ở. Bà cũng lưu ý, tên gọi Nghị quyết tập trung vào nhà ở xã hội, nhưng phạm vi điều chỉnh lại bao gồm nhà ở không phải nhà ở xã hội, dẫn đến chưa phù hợp với nội dung.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại biểu đoàn TP.HCM, đồng ý với việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, nhưng đề nghị rà soát tính phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, cụ thể là Khoản 19 Điều 4 và Khoản 2 Điều 12 Nghị định 163.
Theo bà, nguồn thu từ quỹ đất và bán nhà ở thuộc tài sản công hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước, do đó cần làm rõ vị trí pháp lý của Quỹ để tránh trùng lặp.
Bà Hạnh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, vì nhiều nội dung chưa được Bộ Xây dựng giải trình trong báo cáo tiếp thu.
Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu đoàn TP.HCM, cho hay ý tưởng xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 mới đạt 16%, cần cơ chế đặc thù để thúc đẩy. Ông đề nghị làm rõ đối tượng áp dụng, bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang, đồng thời xác định rõ Quỹ Nhà ở quốc gia có cho phép các đối tượng này mua nhà hay chỉ thuê, thuê mua.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, đại biểu đoàn TP.HCM, cho biết Luật Nhà ở hiện hành quy định đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội thuộc nhóm thu nhập thấp, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, tại TP.HCM, do chế độ thu nhập tăng thêm, tất cả cán bộ, công chức đều phải đóng thuế thu nhập cá nhân, dẫn đến không đủ điều kiện hưởng chính sách. Bà Thúy đề nghị sửa đổi quy định để đảm bảo quyền lợi cho nhóm này.
Từ khóa TP.HCM Quốc hội nhà ở xã hội Quỹ Nhà ở quốc gia nguồn thu nhiệm vụ chi
