Đề xuất biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam cho tất cả các hệ phái
- Nguyễn Quân
- •
Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ trình hai biểu tượng chung cho kiến trúc Phật giáo Việt Nam, dự kiến đưa vào tất cả chùa thuộc các hệ phái, vùng miền khác nhau trên cả nước.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Tăng ni được sở hữu tài sản riêng nếu có thể chứng minh
- Ông Thích Trúc Thái Minh làm Phó Trưởng Ban truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Song song với việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến về đề án, Ban Văn hóa Trung ương khai mạc triển lãm biểu tượng đề xuất tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) vào sáng cùng ngày, 15/4.
Hội thảo và triển lãm do Ban Văn hóa Trung ương thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tổ chức.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết năm 2015, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phê duyệt Đề án: “Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam về Pháp phục, Ngôn ngữ, Kiến trúc, Di sản” và giao Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai thực hiện với định hướng “thống nhất trong đa dạng”.
Hiện 2 trong 4 đề án đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn, đang được triển khai đến tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước. Đề án Kiến trúc và Di sản cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện và triển lãm.
Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết qua ba đợt khảo sát ở miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và miền Đông và Tây Nam Bộ với hàng trăm ngôi chùa của tất cả các hệ phái để triển khai Đề án Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, thấy nhiều ngôi chùa trải qua thời gian tu bổ, tôn tạo nhiều lần, dần mất đi “tính truyền thống” vốn có của mình, trừ những ngôi chùa đã được xếp hạng là di tích cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt.
Nhiều ngôi chùa được xây mới chưa tuân thủ những nguyên tắc xây dựng, chưa có tư vấn thiết kế đầy đủ… làm giảm tư tưởng, triết lý Phật giáo trong kiến trúc. Mặt khác, có nhiều ngôi chùa được xây dựng mới đã mang đặc trưng truyền thống, vùng miền… song lại có kiến trúc chắp vá hay có nhiều trường phái kiến trúc Phật giáo trong một ngôi chùa Việt…
Hiện chưa có sự thống nhất về biểu tượng chung để nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Các chùa sử dụng các biểu tượng chung của Phật giáo thế giới hoặc biểu tượng riêng trong từng hệ phái – theo đại diện Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đồng thời với việc nghiên cứu, định hướng xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng đến việc xây dựng biểu tượng chung nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam, cho rằng điều này nhằm tạo nên tính thống nhất (trong đa dạng) trong nhận diện kiến trúc Phật giáo cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước, tạo sự thống nhất, tôn nghiêm, khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam cũng như góp phần định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Hội thảo hướng đến việc tìm kiếm biểu tượng chung của kiến trúc Phật giáo Việt Nam và trụ kinh Chuyển Pháp Luân.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho hay kiến trúc Phật giáo Việt Nam có một quá trình phát triển theo sự phát triển của Phật giáo. Giai đoạn hiện nay là giai đoạn có nhiều nhất các công trình kiến trúc Phật giáo, với khoảng 18.000 ngôi chùa trên cả nước. Các công trình, tự viện ngày càng được xây dựng nhiều hơn, quy mô lớn hơn, công năng sử dụng nhiều hơn… |
Biểu tượng chung cho tất cả các hệ phái của Phật giáo Việt Nam
Hai biểu tượng: Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (logo) và Trụ kinh Chuyển Pháp Luân được đưa ra trưng bày trong triển lãm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam – thống nhất trong đa dạng, diễn ra trong một tháng (ngày 15/4-15/5) tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cùng với gần 300 tư liệu, hình ảnh giới thiệu về di sản kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (logo) được kết hợp đặc trưng họa tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn (biểu tượng cho văn hóa dân tộc Việt Nam) với biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo, logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (hoa sen, chữ Vạn, bánh xe Chuyển Pháp Luân). Biểu tượng này có thông điệp đạo pháp – dân tộc.
Trụ kinh Chuyển Pháp Luân kế thừa tinh hoa trụ đá của vua A Dục (272-236 TCN) ghi dấu những bước chân hoằng hóa độ sinh của Đức Phật ở Ấn Độ và trụ kinh Lăng nghiêm thời Tiền Lê (thế kỷ 10) dựng tại chùa Nhất ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Cột kinh khắc bài kinh Chuyển pháp luân – lời dạy đầu tiên của Đức Phật tại Ấn Độ sau khi Đức Phật thành đạo. Đây là bài kinh đã được thống nhất là bài kinh tụng cho tất cả hệ phái Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết nhiều hệ phái đều đồng tình với hai biểu tượng này, sau hội thảo ngày 15/4 sẽ trình Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn.
Từ khóa Chùa chiền Chuyển Pháp Luân Giáo hội Phật giáo Việt Nam biểu tượng kiến trúc