Dinh Thượng Thơ tiếp tục được kiến nghị bảo tồn
- Nguyễn Quân
- •
Nằm ngoài danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa của thành phố, Dinh Thượng Thơ 130 tuổi ở Sài Gòn đang được Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM kiến nghị bổ sung vào danh mục bảo tồn.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP khảo sát, đánh giá để bổ sung Dinh Thượng Thơ (số 59-61 Lý Tự Trọng) – hiện đang là trụ sở của Sở Thông tin – Truyền thông, vào danh mục các công trình được nghiên cứu bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, đồng thời, thu thập tài liệu, đánh giá để có giải pháp quản lý đối với công trình này.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết Dinh Thượng Thơ hiện không được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, nhưng thuộc danh sách vị trí các công trình kiến trúc có giá trị văn hóa lịch sử của đồ án quy hoạch khu trung tâm thành phố 930 ha.
Tài liệu về nguồn gốc hình thành cũng như quá trình sử dụng tòa nhà này qua nhiều thời kỳ tương đối đầy đủ, có thể chứng minh được phần nào ý nghĩa công trình trong suốt quá trình tồn tại. “Nhìn chung kiến trúc và không gian của công trình có phản ánh được phong cách kiến trúc theo lối dinh thự thời kỳ Pháp thuộc“, Sở Quy hoạch – Kiến Trúc đánh giá.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho biết trên các phương tiện truyền thông, đa số các ý kiến đều đề nghị bảo tồn, giữ lại toàn bộ công trình do người Pháp xây dựng và không nên phá bỏ. Ngoài ra, rất nhiều chuyên gia có ý kiến ủng hộ bảo tồn như KTS Ngô Viết Nam Sơn, TS Nguyễn Thị Hậu, KTS Nguyễn Tấn Vạn, KTS Khương Văn Mười… Trước đó, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng như hội văn nghệ sỹ TP cũng có đơn kiến nghị bảo tồn gửi đến UBND TP về việc bảo tồn công trình này.
Đầu tháng 5, một nhóm trí thức trong và ngoài nước, gồm các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên môn lĩnh vực đã gửi một bản kiến nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ, dưới hình thức xin chữ ký đồng thuận từ người dân. Bản kiến nghị phân tích rõ 6 lý do kiến nghị UBND TP.HCM ngưng quyết định phá bỏ Dinh Thượng Thơ để xây trụ sở hành chính, và đưa ra 3 thỉnh nguyện UBND TP đối với Dinh Thượng Thơ nói riêng và với việc bảo tồn di sản lịch sử thành phố nói chung. Hơn 6.000 người trong và ngoài nước đã ký ủng hộ bản kiến nghị.
Dinh Thượng Thơ là một trong những công trình kiến trúc có lịch sử rất lâu đời của thành phố, có tuổi thọ nhiều thứ hai, chỉ sau căn nhà của Giám mục Bá Đa Lộc xây năm 1790. Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.
Năm 1882, tòa nhà được tu sửa như hiện nay. Tính đến nay, tòa nhà hơn 130 năm tuổi, trải qua nhiều thời kỳ, với nhiều công năng như trụ sở Bộ Nội vụ, trụ sở Bộ Kinh tế (thời Pháp thuộc). Sau năm 1975, công trình trở thành trụ sở của Sở Công thương và hiện là trụ sở làm việc của Sở Thông tin – Truyền thông. Người dân đương thời gọi là Dinh Thượng Thơ.
Tòa nhà Dinh Thượng Thơ được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, có kiến trúc tổng thể hình chữ U, gồm một dãy nhà chính giữa xoay ra đường Lý Tự Trọng, nối với hai dãy nhà hai bên ôm lấy khoảng sân ở giữa. Bên trong có bốn cầu thang gỗ dẫn lên tầng trên, nằm gần cổng ra vào và hai góc của tòa nhà. Sau gần 130 năm, thiết kế tinh xảo, cổ kính của tòa nhà vẫn được đánh giá là rất cá biệt trong vùng Đông Nam Á.
Dưới góc độ quy hoạch và bảo tồn, các chuyên gia cho hay việc phá dỡ Dinh Thượng Thơ sẽ phá hủy kiến trúc lịch sử trong phần lõi trung tâm của thành phố, đưa công trình với thiết kế không phù hợp sẽ hoàn toàn áp chế không gian cổ của UBND TP và cả khu phố Lý Tự Trọng, Đồng Khởi và Pasteur.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa bảo tồn di sản Kiến trúc cổ Sài Gòn Dinh Thượng thơ