Doanh nghiệp đề xuất với tỉnh Sóc Trăng về việc đầu tư dự án trạm bơm nước và hệ thống tuyến ống truyền tải để cung cấp nguồn nước thô cho 3 tỉnh là Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Doanh nghiệp sẽ đầu tư vốn 3.300 tỷ đồng, phần hệ thống kết nối do ngân sách các tỉnh tự đầu tư là 1.500 tỷ đồng. 

my tai tro 29 trieu usd de bao ve sinh thai ven bien dbscl
Doanh nghiệp đề xuất dự án 4.800 tỷ đồng làm trạm bơm nước cho 3 tỉnh miền Tây. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Truyền thông Nhà nước ngày 3/1 đưa tin Công ty Cổ phần Đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) đề xuất với tỉnh Sóc Trăng về việc đầu tư dự án “Trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu và hệ thống tuyến ống truyền tải”. Mục đích của dự án là cung cấp nguồn nước thô cho 3 tỉnh gồm: Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng.

Theo DNP Water, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 4.800 tỷ đồng. Doanh nghiệp sẽ đầu tư vốn trực tiếp là 3.300 tỷ đồng, phần hệ thống kết nối do ngân sách các tỉnh tự đầu tư là 1.500 tỷ đồng.

Công suất giai đoạn này dự kiến là 300.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt và sản xuất cho 3 tỉnh đến năm 2037. Công suất giai đoạn 2 dự kiến là 600.000 m3/ngày đêm và dự phòng mở rộng đến 100.000 m3/ngày đêm.

Về kỹ thuật, tại tỉnh Sóc Trăng, dự kiến xây dựng 8 trạm bơm tăng áp; tỉnh Bạc Liêu là 3 trạm; tỉnh Cà Mau là 10 trạm bơm tăng áp. Công suất mỗi trạm từ 3.000 – 5.000m3/ngày đêm.

Về tiến độ của dự án, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành trong quý I/2028, giá bán buôn nước thô dự kiến khởi điểm trong năm đầu tiên là 3.500 đồng/m3.

Mục tiêu của dự án là đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây tình trạng sụt lún tại khu vực.

UBND tỉnh Sóc Trăng ủng hộ đề xuất của DNP Water. Giới chức tỉnh Sóc Trăng giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu dự án trên cơ sở đề xuất của công ty, có đánh giá đầy đủ về tác động, lộ trình đầu tư, giá nước… để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.

Các tỉnh miền Tây thường xảy ra hạn mặn, thiếu nước vào tháng 3, 4 hàng năm. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân và sản xuất nông nghiệp. Điển hình như đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long phải công bố thiên tai.

Năm 2020, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến 6 tỉnh miền Tây phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016; Hơn 150.000 ha cây ăn trái, hoa màu… bị khô trái, rụng lá vì thiếu nước; nhiều hộ gia đình phải mua nước với giá đắt đỏ,…

Khánh Vy (t/h)