Đổi 270ha đất lấy 5 tuyến đường: ‘Chúng tôi làm đúng quy định’
- Văn Duy
- •
Việc đổi hàng trăm ha đất lấy 5 tuyến đường chỉ dài vài km khiến dư luận quan tâm vì tính ra giá đất rất rẻ so với mặt bằng thị trường. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT TP. Hà Nội khẳng định cả 5 dự án được chỉ định thầu theo đúng quy định và đã được phía kiểm toán, thanh tra xem xét.
Ngày 26/6, UBND TP. Hà Nội cùng lãnh đạo một số sở ngành đã trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến đổi 270 ha đất lấy 5 tuyến đường.
Dư luận cho rằng việc TP. Hà Nội làm những tuyến đường này có chiều dài chỉ vài km nhưng đổi hàng trăm ha đất, tính ra giá đất rất rẻ so với mặt bằng thị trường.
Thông tin về vấn đề này, ông Vũ Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP. Hà Nội cho biết đây là các dự án đã được nghiên cứu từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP. Hà Nội báo cáo và Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT, cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT.
Vị Phó giám đốc giải thích diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và chỉ được khai thác một phần diện tích. Theo đó, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT.
Ông Tuấn khẳng định “cả 5 dự án được chỉ định thầu theo đúng quy định, quy trình đúng pháp luật, chặt chẽ, đều kiểm tra, kiểm toán, thanh tra đã xem xét tất cả”.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết diện tích đất nghiên cứu để đối ứng cho 5 dự án BT về giao thông chỉ xấp xỉ 270 ha, chứ không phải là 700 ha như các thông tin đưa ra trước đó. Diện tích này nằm trong phạm vi nghiên cứu, còn thực tế giao đất có thể không tới con số này.
Theo tính toán, khối lượng kinh phí cho hạng mục bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại các dự án BT thấp nhất là 42 %, có dự án chiếm tới 80%. Vì vậy, nếu chỉ đưa thông tin về độ dài của tuyến đường để so sánh sẽ không phản ánh được khách quan chi phí đầu tư của dự án BT.
Cũng tại buổi làm việc, với câu hỏi tại sao không đấu giá các khu đất để lấy tiền xây dựng các tuyến đường, ông Nghĩa cho biết chủ trương của thành phố là có hạ tầng xã hội bằng nhiều con đường. Vì vậy, con đường nào thuận lợi nhất, đúng quy định nhất, ngắn nhất thì làm.
“Mỗi năm Hà Nội đấu giá đất thu về trên 10.000 tỷ đồng nhưng kinh phí để giải phóng mặt bằng có dự án chiếm đến 80%. Trong khi nguyên tắc muốn đấu giá anh phải đầu tư hạ tầng, chưa tính đến chi phí cho bộ máy hành chính thực hiện các công đoạn đấu giá đất, giải phóng mặc bằng, quản lý dự án” – ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho hay con đường bao nhiêu tiền, đất bao nhiêu tiền đã được các cơ quan chức năng tính toán hết rồi. Từ lúc triển khai đến lúc hoàn thành đều có giám sát của nhiều cơ quan chức năng. Sai ở đâu, nhũng nhiễu ở khâu nào thì tập thể, cá nhân đó phải chịu trách nhiệm của pháp luật.
Được biết, 5 dự án đổi đất lấy hạ tầng gồm: Dự án đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 – Gamuda Gardens, dự án tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên (quận Hoàng Mai), dự án Xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông và một dự án từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy.
Văn Duy
Xem thêm:
Từ khóa TP. Hà Nội đổi đất lấy đường