Theo quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương và có thêm TP. Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch.

dong nai se co them 3 thanh pho long thanh nhon trach va trang bom
Một góc của Đồng Nai. (Ảnh: Thien Vu/shutterstock)

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 586/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện và các đô thị thuộc tỉnh, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai có 4 thành phố là Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành; 1 thị xã (Trảng Bom) và 6 huyện (Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).

Giai đoạn sau năm 2030, Đồng Nai có 5 thành phố là Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom; 1 thị xã (Thống Nhất) và 5 huyện (Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc).

Theo quy hoạch, huyện Long Thành sẽ phát triển khu đô thị tại phía Tây Nam Cảng HKQT Long Thành; phát triển các cụm công nghiệp, logistics phía Đông Nam Cảng HKQT Long Thành, liên kết với hệ thống công nghiệp – dịch vụ hậu cần cảng biển Cái Mép- Thị Vải; phát triển chuỗi đô thị – dịch vụ theo trục cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, quốc lộ 51 và Vành đai 4 vùng TP.HCM.

Huyện Nhơn Trạch phát triển chuỗi đô thị – dịch vụ – công nghiệp công nghệ cao, kết nối đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, cảng biển Phước An, trung tâm TP.HCM; phát triển tuyến dịch vụ – du lịch kết nối Cảng HKQT Long Thành với khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Cũng theo đề án quy hoạch, đến năm 2050, “Đồng Nai trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không”.

Những năm gần đây, việc phát triển công nghiệp tại Đồng Nai gặp nhiều vướng mắc, phát sinh những hạn chế, bất cập.

Hồi cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh vẫn thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tuy nhiên các dự án ngoài khu công nghiệp chủ yếu thuê văn phòng để hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu với quy mô rất nhỏ, vốn ít.

Dự án trong khu công nghiệp dù không thuộc danh mục ngành nghề ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; song vẫn là công nghiệp phụ trợ có quy mô tương đối nhỏ, thuê nhà xưởng để hoạt động, chưa thu hút được những dự án lớn.

Đặc biệt, giá trị gia tăng trên diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai đạt thấp, chỉ khoảng 18 tỷ đồng/ha, trong đó, trung bình ở các tỉnh công nghiệp phát triển là 22 tỷ đồng/ha. Riêng TP.HCM đạt 43 tỷ đồng/ha; Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang 22-31 tỷ đồng/ha.

Đồng Nai có hiệu quả đầu tư công nghiệp thấp do tỉnh chủ yếu phát triển công nghiệp hỗn hợp, thâm dụng lao động, chưa thu hút được những dự án vốn lớn (từ 1 tỷ USD trở lên) cũng như các doanh nghiệp công nghệ cao như Apple, Foxconn, Intel,…

Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, diện tích đất đã cho thuê hơn 6.000ha (đạt tỷ lệ hơn 85% diện tích đất cho thuê), hiện quỹ đất công nghiệp của tỉnh sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều. Hầu hết diện tích còn lại đang vướng bồi thường, giải tỏa hoặc chưa hoàn tất xây dựng hạ tầng kỹ thuật; khu công nghiệp mới chưa được xây dựng.

Ngoài ra, thời gian gần đây, đơn giá thuê đất khu công nghiệp tăng cao gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi đất.

Đồng Nai cũng có hệ thống hạ tầng quá tải, đặc biệt là giao thông, trường học, y tế.

Minh Long