Dự án hồ chứa nước Ka Pét chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường
- Khánh Vy
- •
Chính phủ Việt Nam vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
- Bình Thuận tổ chức họp báo về dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét
- Bình Thuận: Hồ Biển Lạc ‘là hồ tự nhiên, không phải hồ thủy lợi’
Bộ TN&MT chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường
Theo báo cáo của Chính phủ, việc kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng liên quan dự án hồ Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam) đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định.
UBND tỉnh Bình Thuận cho hay đã chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ hơn 1.844ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án và yêu cầu phải trồng bằng các loài cây bản địa như dầu, sao đen…
Hiện nay, các đơn vị chủ rừng toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký sở trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai trồng rừng nhằm hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ Ka Pét vào cuối năm 2025.
Đáng chú ý, về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, hiện nay Bộ TN&MT chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn.
Qua rà soát hồ sơ năng lực, đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không đủ năng lực để tổ chức thực hiện 2 mô hình nêu trên.
Hiện nay, Ban quản lý dự án đã làm việc với nhà thầu và thống nhất chấm dứt hợp đồng.
Từ đó, Ban quản lý dự án sẽ trình cấp thẩm quyền xin chủ trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực tiếp tục thực hiện các công việc liên quan để. hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cũng theo báo cáo, hiện việc khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã thực hiện xong.
Cần tiến hành đánh giá tác động văn hóa – lịch sử của dự án
Theo một số đại diện cộng đồng Chăm ở đây, dự án này cũng cần được đánh giá tác động về mặt “Văn hoá-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng”. Cộng đồng Chăm tại địa phương đang soạn thảo một bản kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng tại địa phương và trung ương để đề nghị lưu tâm đến vấn đề này.
Nói với RFA, Kiến trúc sư Jaya Thiên cho rằng đây là dự án đầu tư xây dựng mới, với tầm quan trọng Quốc gia. Mục tiêu đầu tư của dự án đã được Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư, cụ thể là: Cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; Cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Jaya Thiên cho biết cộng đồng Chăm Bình Thuận cũng có một số quan ngại đối về dự án, vì trong ranh giới dự án này đã và đang tồn quần thể “Khu Thánh Tích Po Cei Khar Mâh Bingu” của cộng đồng. Theo Kiến trúc sư Jaya Thiên, điều này đã dấy nên phản ứng mạnh mẽ khắp cộng đồng người Chăm.
“Cá nhân tôi cũng như cộng đồng Chăm địa phương, chủ nhân của các di tích văn hóa – lịch sử nói trên, cho rằng việc chủ đầu tư dự án “Hồ Thủy Lợi Ka Pét”, không lập hồ sơ “Đánh giá tác động Văn hóa-lịch sử, Tôn giáo – Tín ngưỡng” là một thiếu sót nghiêm trọng. Tôi thiết nghị tỉnh Bình Thuận cần thành nhanh chóng lập đoàn khảo sát, đánh giá chuyên môn về không gian quần thể khu Thánh tích này.
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa Bộ TN&MT UBND tỉnh Bình Thuận hồ chứa nước Ka Pét