Trước “cáo buộc” hồ thủy lợi Biển Lạc có mức đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng bỏ hoang, gây lãng phí, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận khẳng định hồ Biển Lạc chưa phải là dự án thủy lợi, chỉ là hồ tự nhiên.

ho bien lac 1
Khu vực hồ Biển Lạc được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ năm 2006 rồi bỏ hoang đến nay, khiến dư luận bức xúc. (Ảnh: quochoitv.vn)

Theo phóng sự của Truyền hình Quốc hội, hồ thủy lợi Biển Lạc ở tỉnh Bình Thuận được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ năm 2006 để Chào mừng Đại hội Đảng X rồi bỏ hoang đến nay, khiến dư luận bức xúc.

Ngày 8/9, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận (Công ty, thuộc UBND tỉnh Bình Thuận) đã có báo cáo về vấn đề này.

Báo cáo của công ty cho biết hồ có diện tích lưu vực 205 km2; mùa khô diện tích ngập ứng với mực nước thấp nhất 436 ha, mùa lũ ngập 1.659 ha

“Hồ Biển Lạc trước đây và đến thời điểm hiện nay vẫn là hồ tự nhiên, chứ không phải hồ thủy lợi”, công ty khẳng định.

Phần diện tích trong hồ không do công ty quản lý, mà chỉ quản lý Dự án Công trình Cầu giao thông kết hợp cống điều tiết lũ Lăng Quăng trên tuyến đường ĐT710 đã được đầu tư (tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng).

Dự án này được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt vào tháng 5/2002, có nhiệm vụ đảm bảo giao thông, thoát lũ suối Lăng Quăng và đồng thời ngăn lũ ngoài sông La Ngà khi mực nước lũ ngoài sông dâng cao.

Sau khi công trình đầu tư hoàn thành, nếu gắn biển theo đúng tên công trình là “Cầu giao thông kết hợp cống điều tiết lũ Lăng Quăng trên tuyến đường ĐT710, huyện Tánh Linh”. Tuy nhiên, do “chủ quan” nên đặt tên công trình là “Hồ Biển Lạc” để cho gọn, dễ nhớ theo tên hồ Biển Lạc tự nhiên”, báo cáo nêu.

Cũng liên quan đến dự án hồ Biển Lạc, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Hữu Phước, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận nói nếu muốn tích nước mùa mưa để phục vụ sản xuất cho mùa khô thì phải khảo sát đo đạc lòng hồ và đưa vào kế hoạch đền bù giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do kinh phí lớn, điều kiện ngân sách của tỉnh khó khăn, còn phải ưu tiên cho các công trình khác nên lâu nay chưa thực hiện được.

“Do đó, hồ Biển Lạc chưa phải là hồ thủy lợi, đất trong lòng hồ vẫn là đất sản xuất nông nghiệp của người dân và một số diện tích đất ngập nước do Nhà nước quản lý, chưa giao cho đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi quản lý tích nước trong mùa khô, nhiệm vụ của công trình hiện nay là hỗ trợ điều tiết lũ ra vào trong mùa mưa”, ông Phước giải thích.

Được biết, liên quan dự án hồ Biển Lạc lãng phí, tỉnh Bình Thuận sẽ sớm có thông cáo báo chí.

Hiện giới chức Bình Thuận muốn phá hơn 600ha rừng để xây hồ thủy lợi Ka Pét 51,2 triệu m3 (tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 874,089 tỷ đồng) cũng khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Bình Thuận còn muốn thực hiện dự án hồ thuỷ lợi La Ngà 3 ở huyện Tánh Linh. Bộ NN&PTNT xác định để làm dự án, diện tích rừng phải chuyển đổi 1.608,75 ha. Trong đó, phân theo nguồn gốc thì rừng tự nhiên 1.537,25 ha, rừng trồng 71,50 ha.

Dự án này khi hoàn thành sẽ tưới cho 97.246 ha đất nông nghiệp của tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Cùng đó tạo nguồn cấp nước 620.000m3/ngày cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch, dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu (mỗi tỉnh 300.000m3/ngày) và cấp nước sinh hoạt cho tỉnh Đồng Nai (20.000m3/ngày).

Mục tiêu khi xây hồ La Ngà 3 cũng nhằm giảm lũ cho hạ lưu sông La Ngà với dung tích phòng lũ 50 triệu m3; đồng thời có thể kết hợp phát điện với công suất lắp máy khoảng 31,5MW.

Minh Long