Hơn 600ha rừng ở Bình Thuận sắp bị tàn phá để xây hồ thủy lợi 51,2 triệu m3
- Minh Long
- •
Khu rừng sắp bị phá để làm hồ thủy lợi Ka Pét đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền với không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua…
Dự án Hồ thủy lợi Ka Pét (do UBND tỉnh Bình Thuận làm chủ đầu tư và thực hiện dự án) được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 với tổng mức đầu tư là 585,647 tỷ đồng.
Sau đó, dự án được điều chỉnh mức tổng mức đầu tư là 874,089 tỷ đồng (tăng hơn 288 tỷ đồng), gồm ngân sách Trung ương 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2025.
Hồ có sức chứa 51,2 triệu m3 nước (xếp thứ 4/50 hồ thủy lợi của Bình Thuận).
Mục tiêu của dự án là cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm II là 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP. Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ cho tỉnh.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680 ha. Bên cạnh đó, dự án sẽ phải di dời Dinh Cậu và 100 ngôi mộ trong lòng hồ…
Báo Vnexpress cho biết trong số hơn 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, trữ lượng gỗ còn rất lớn.
Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua.
Khu rừng cũng là nơi sống của nhiều loại thực vật như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng; động vật như nai đỏ, khỉ, voọc, heo rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà.
Có những cây gỗ tới 200 tuổi cũng bị cưa hạ để làm hồ thủy lợi…
Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 ha ở những nơi khác để thay thế diện tích rừng bị mất. Điều này thực hiện theo nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.
Từ khóa phá rừng làm thủy lợi Bình Thuận thủy lợi Ka Pét