Dự kiến phá 150ha rừng ngập mặn, lấn biển tạo mặt bằng làm công nghiệp
- Vĩnh Long
- •
150ha rừng ngập mặn ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng đang đứng trước nguy cơ bị phá vĩnh viễn để lấn 320ha biển lấy mặt bằng làm công nghiệp.
Tỉnh Thái Bình vừa trình Bộ TN-MT báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án lấn biển để có 320ha làm mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ, trong đó sẽ xóa bỏ 150ha rừng ngập mặn có chức năng phòng hộ đê tuổi đời hơn 30 năm.
Theo Dự án “Nâng bãi bồi ổn định đê biển 8 (đoạn từ K26+700 đến K31+700 huyện Thái Thụy) để kết hợp tạo mặt bằng phát triển công nghiệp – dịch vụ”, tỉnh Thái Bình đưa ra phương án sẽ đắp đoạn đê mới cách đê cũ khoảng 800m về phía biển.
Tiến hành san lấn phần diện tích này đất xen kẹp giữa đê cũ và đê mới, tạo mặt bằng để phát triển công nghiệp – dịch vụ, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế ven biển. Tổng diện tích khoảng 320ha, trong đó có 150ha rừng ngập mặn.
Với việc tạo ra quỹ đất rộng 320ha trên, toàn bộ diện tích khoảng 150 ha rừng ngập mặn ven biển tại đây – nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng bằng sông Hồng, được UNESCO công nhận năm 2004 – sẽ bị phá bỏ vĩnh viễn. Mặc dù theo dự án sẽ có phương án trồng mới, trồng thay thế150ha đất rừng ngập mặn, điều này không bù đắp được những ảnh hưởng về môi trường, mất mát về đa dạng sinh học của hệ sinh thái trong vùng.
Tại buổi lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia về dự án do Bộ TN&MT, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức ngày 25/2/2017, GS Nguyễn Ngọc Lung, nguyên Viện trưởng Viện Điều tra, qui hoạch Rừng băn khoăn: “Dự án của tỉnh chưa lượng hóa, làm rõ được những thiệt hại do mất rừng và việc xây dựng khu công nghiệp, dịch vụ liệu có hiệu quả hơn?”.
Vùng đất ngập nước ven biển huyện Thái Thụy (Thái Bình) nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa (UNESCO) công nhận vào năm 2004, thuộc địa giới hành chính của 6 huyện Thái Thụy, Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) và Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình).
Với tổng diện tích trên 105.000 ha, khu dự trữ sinh quyển là nơi cư trú của rất nhiều loài chim nước và chim di cư quý hiếm, là hệ sinh thái đất ngập nước điển hình ở cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam, sở hữu những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, khu đầm lầy ngập mặn, các khu bãi bồi ven biển và cửa sông.
Theo các công trình nghiên cứu của UNESCO đã công bố, khoảng 200 loài chim cư trú tại đây, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như cò mỏ thìa (Nguy cấp), mòng bể (Ít được quan tâm), rẽ mỏ thìa (Rất nguy cấp), vịt đầu đen (Rất nguy cấp), cò trắng bắc (Ít được quan tâm)…, trong đó, cò mỏ thìa là loài chim di cư đặc biệt quý hiếm chỉ còn vài trăm cá thể trên toàn thế giới. Ngoài ra còn khoảng 500 loài động, thực vật thuỷ sinh và cỏ biển, hệ sinh thái đa dạng vùng đầm lầy và bãi bồi cửa sông, ven biển.
Với diện tích khoảng 3.500 ha, vùng đất ngập nước Thái Thụy có dải rừng ngập mặn nằm trong hệ sinh thái rộng lớn của khu dự trữ sinh quyển, đóng vai trò phòng chống thiên tai, gió bão, thích ứng biến đổi khí hậu, nước dâng, bảo tồn hệ sinh thái ngập nước ven biển, là lá chắn an toàn bảo vệ hệ thống đê biển và khu sinh cư của người dân vùng ven biển 3 tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định.
Theo nghiên cứu phối hợp giữa Bộ Môi trường Nhật Bản (MOE), Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế (Bird Life International (văn phòng Tokyo), Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (Viet Nature), vùng đất ngập nước Thái Thụy mang lại 6 lợi ích sinh thái cơ bản sau: điều hòa khí hậu (lưu trữ carbon, hấp thu nhiệt vào ban ngày, tỏa nhiệt vào ban đêm), du lịch sinh thái (xem chim, thăm quan bãi ngập triều ), lọc nước, khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên (đánh bắt hải sản), sản phẩm canh tác (nuôi trồng các loại thủy hải sản như tôm, cá, rong biển, nghêu, nuôi ong), giảm nguy cơ thiên tai (giảm sức tàn phá của bão, lũ lụt).
Dựa trên các nghiên cứu liên quan, nhóm nghiên cứu cho biết vùng ngập nước Thái Thụy có thể mang lại giá trị kinh tế quy đổi từ những lợi ích trên như sau:
- Khai thác nguồn lợi tự nhiên: 49,782 tỷ đồng/năm (2,2 triệu USD/năm)
- Nguồn lợi từ canh tác: 259,917 tỷ đồng/năm (11,7 triệu USD/năm)
- Giảm thiểu nguy cơ thiên tai: 23,526 tỷ đồng/năm (1,1 triệu USD/năm)
- Điều hòa khí hậu: 1.343,801 tỷ đồng/năm (60,3 triệu USD/năm)
Trong đó, lợi ích thực là 333,225 tỷ đồng/năm (15 triệu USD/năm), và 1.1.343,801 tỷ đồng/năm (60,3 triệu USD/năm) là giá trị chức năng lưu trữ carbon.
Bản nghiên cứu cũng đồng thời xác định các mối đe dọa đối với vùng ngập nước Thái Thụy, bao gồm việc đánh bắt bằng điện làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy hải sản và vấn đề ô nhiễm từ nước thải công nghiệp và nông nghiệp.
Vĩnh Long (T/h)
Xem thêm:
Từ khóa rừng ngập mặn rừng ngập mặn Thái Bình phá rừng ngập mặt làm khu công nghiệp nạn phá rừng tàn phá môi trường Thái Bình Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình rừng ngập mặn ven biển huyện Thái Thụy