EVN cấp tập đầu tư đường dây vì quá tải điện mặt trời
- Hoàng Minh
- •
EVN cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-6/2019 đã có trên 4.000 MW điện mặt trời hòa lưới vận hành và tập trung mật độ lớn tại Ninh Thuận – Bình Thuận. Điều này gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) liên quan đến vấn đề phát triển điện mặt trời.
Theo báo cáo, tính đến hết tháng 6/2019, đã có 89 nhà máy điện mặt trời hòa lưới phát điện với tổng công suất là 4.442,3 MW. Nếu tính cả các nhà máy điện gió, tổng quy mô công suất đặt nguồn điện năng lượng tái tạo cả nước là 4.880 MW, trong đó tập trung chủ yếu tại Ninh Thuận (1.102 MW) và Bình Thuận (995 MW).
EVN cho hay chỉ trong thời gian từ tháng 4-6/2019 đã có trên 4.000 MW điện mặt trời hòa lưới vận hành và tập trung mật độ lớn tại Ninh Thuận – Bình Thuận. Điều này gây áp lực lớn lên khả năng giải tỏa công suất của lưới điện truyền tải. Nhiều thời điểm khi các nhà máy điện cùng phát đồng loạt đã gây quá tải các đường dây, trạm biến áp liên quan.
EVN nêu rõ các nhà máy năng lượng tái tạo đã vào vận hành thời điểm tháng 7, với cấu hình lưới điện hiện tại và khi tất cả nguồn điện cùng phát ở công suất thiết kế, có rất nhiều phần tử đầy, quá tải.
Cụ thể, máy biến áp (MBA) 500 kV Di Linh quá tải 140% (mở vòng chống quá tải); MBA 500 kV Vĩnh Tân mang tải 85%; MBA 220 kV Tháp Chàm 2 quá tải 115%; MBA 220 kV Đại Ninh quá tải 140%… Đặc biệt, trục đường dây 110kV Tháp Chàm – Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí quá tải tới 260-360% (mở vòng tránh sự cố lan rộng); đường dây 220 kV Đa Nhim – Đức Trọng quá tải 105%; Đức Trọng – Di Linh quá tải 110%…
Để đảm bảo cung cấp điện liên tục cho phụ tải và vận hành an toàn lưới điện, tránh các sự cố lan truyền xảy ra trên hệ thống điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) sẽ phải thực hiện phân bổ công suất phát các nhà máy phù hợp với khả năng truyền tải tối đa của lưới điện.
Để hạn chế việc cắt giảm công suất các dự án nguồn điện, góp phần đảm bảo bổ sung thêm nguồn cung cho hệ thống và đảm bảo vận hành an toàn lưới điện, về giải pháp ngắn hạn, EVN cho biết đã yêu cầu các đơn vị tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới điện truyền tải, phân phối và cải tạo nâng khả năng truyền tải của các công trình đường dây, trạm biến áp hiện hữu phục vụ giải toả công suất các dự án nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt tại tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận, gồm một số các công trình trọng điểm như: Đường dây 110kV Ninh Phước – Tuy Phong – Phan Rí mạch 2; TBA 220kV Phan Rí và đấu nối TBA 220 kV Hàm Tân; TBA 220 Cam Ranh…
EVN còn thực hiện xử lý thời gian thực các vấn đề đầy quá tải qua ứng dụng AGC (hệ thống thiết bị tự động điều chỉnh tăng giảm công suất tác dụng của tổ máy phát điện) của hệ thống SCADA/EMS.
Trong đó, hệ thống AGC sẽ tự động tính toán và ra lệnh tự động điều chỉnh công suất phát các nhà máy để đảm bảo không bị quá tải các đường dây, máy biến áp theo các thuật toán tối ưu. Do đó, công suất và sản lượng các nhà máy được huy động sẽ cao hơn so với mức phân bổ cố định từ kế hoạch ngày hôm trước.
Về giải pháp dài hạn, EVN cho hay từ tháng 6/2018, doanh nghiệp đã thực hiện nghiên cứu và đề xuất Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải cần thiết để giải phóng hết công suất các nguồn điện gió, mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch đến hết thời điểm tháng 8/2018. Tổng công suất mặt trời 9.500 MW và điện gió là 2.400 MW.
Trên cơ sở đề xuất của EVN và thẩm định của Bộ Công Thương, Thủ tướng đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 15 công trình lưới điện 220-500 kV và tập trung tăng cường lưới điện tại khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận.
Hiện EVN đang yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện đầu tư để đưa các công trình lưới điện trên vào vận hành đúng tiến độ.
Tuy vậy, EVN cũng nêu rõ trong thời gian từ tháng 8/2018 đến hết năm 2018, đã có nhiều dự án tiếp tục được phê duyệt bổ sung quy hoạch, trong đó tổng quy mô công suất tăng lên so với thời điểm EVN trình bổ sung các công trình lưới điện truyền tải. Cụ thể, điện mặt trời tăng từ 9.500 MW lên 12.879 MW (tăng thêm 3.379 MW); điện gió tăng từ 2.400 MW lên 4.459 MW (tăng 2.059 MW).
Do đó, EVN cho rằng để có thể giải phóng hết công suất các dự án nguồn điện mới bổ sung này sẽ cần tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải mới.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa quá tải điện mặt trời EVN điện mặt trời