Gần 5 triệu người lao động tạm nghỉ, mất việc vì dịch viêm phổi Vũ Hán
- Lê Hoàn
- •
Tại Việt Nam, dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động, dẫn đến tình trạng tham gia thị trường lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên.
Sáng ngày 24/4, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020.
Tại buổi Họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng, tác động của nhiều yếu tố như thay đổi chính sách quản lý rủi ro về thiên tai, dịch bệnh.
Trong đó, sự bùng phát của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu không chỉ tạo ra sự khủng hoảng về y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện từ cuối tháng 1/2020 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động dẫn đến tình trạng tham gia thị trường lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên.
Theo kết quả Điều tra lao động việc làm quý I/2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75.4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm từ 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây.
Tính đến hết quý I/2020, cả nước có khoảng 55,3 triệu lao động (nếu tính cả lao động từ 15 tuổi trở lên). Trong đó, số lao động thất nghiệp là 1,1 triệu người (tăng 26.000 người so quý trước).
Đáng lưu ý, số thanh niên thất nghiệp (tuổi từ 15-24) gần 493 ngàn người (chiếm trên 44% tổng số người thất nghiệp)
Cũng theo Tổng Cục thống kê, tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I/2019 so với quý I/2018. Lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp. Lao động có việc làm giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ thanh niên không đi học và không đi làm có xu hướng tăng. Thu nhập của người lao động tăng nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước sụt giảm đáng kể.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm, tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi Vũ Hán.
Trong đó, số lao động chịu ảnh hưởng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,2 triệu người, ngành ngành bán buôn, bán lẻ khoảng 1,1 triệu người, ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống khoảng 740 ngàn người.
Ngoài ra, có khoảng 84.8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán.
Từ khóa lao động mất việc virus corona Việt Nam