Hà Nội công bố tình huống sạt lở khẩn cấp bờ sông Đuống
- Minh Long
- •
Giới chức Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Đuống thuộc tổ 38, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên.
- Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp, chi 18 tỷ khắc phục sạt lở đê tại Ba Vì
- Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp do đê ở huyện Chương Mỹ sạt lở

Theo UBND TP. Hà Nội, diễn biến sạt lở bờ sông Đuống đã diễn ra rất nhanh và mạnh sau cơn bão số 3 với cung sạt khoảng 120m, cung sạt thẳng đứng, ăn sâu vào bãi khoảng 50m.
Sạt lở làm cho 1 lán tạm, xe cải tiến và một số công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhà dân bị sạt xuống sông.
Cung sạt cách khu vực nhà dân khoảng 35m; hai bên cung sạt có một số hộ dân sinh sống.
Sự cố sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất; an toàn của người và tài sản của người dân sinh sống trong khu vực.
Đặc biệt, sự cố sạt lở có xu hướng tiếp tục phát triển nếu không được xử lý kịp thời.
UBND TP. Hà Nội giao UBND quận Long Biên phối hợp với cơ quan chức năng duy trì thực hiện việc cảnh báo, hạn chế người dân qua lại tại khu vực sự cố sạt lở…
Trước đó, báo chí nhà nước cho biết trong khoảng vài trăm mét dọc bờ sông Đuống (thuộc địa phận xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có tới 3 bãi trung chuyển đất, cát hoạt động. Đó là các bãi Giang Linh, Khổng Trường Giang và Tất Thắng.
Được biết, các bãi này đều đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, yêu cầu đình chỉ nhưng đến nay vẫn hoạt động.
Đặc biệt, bãi trung chuyển rộng hơn 10.000m2 có tên Giang Linh do công ty TNHH Giang Linh quản lý nằm ngay sát ruộng và hoa màu của người dân. Bãi tập kết vật liệu trái phép, xúc đất, cát gây sạt lở bờ sông.
Ngoài ra, việc vận chuyển than, đất, cát ngày đêm khiến cho nhiều tuyến đường bị xuống cấp nghiêm trọng. Có thời điểm, công nhân bãi cát này tổ chức đổ cát lên cả ruộng của nông dân, sau đó xảy ra mâu thuẫn, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong khu vực.
Bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam vào năm 2024 đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích), 1.976 người bị thương; 281.966 nhà hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu ngập úng; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại…
Ngoài ra, còn 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại. Tổng thiệt hại kinh tế hơn 81.503 tỷ đồng.
Từ khóa sạt lở sông Đuống Hà Nội
