Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỷ đồng đầu tư xe buýt xanh
- Minh Long
- •
Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG khí thiên nhiên nén với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội đang trình HĐND thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đề án sẽ được HĐND thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 17 từ ngày 1/7 đến ngày 4/7.
Hà Nội đặt mục tiêu “xe xanh” cho giao thông công cộng, trong đó 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030.
Từ thực tế của thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030. Đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.
Tương ứng với các kịch bản trên, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.072 xe, 1.807 xe và 1.694 xe; tổng chi phí đầu tư đến năm 2033 là 52.000 tỷ – 47.000 tỷ và 43.000 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện theo kịch bản 3 (50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG), khi điều kiện cho phép thì theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040 theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).
Hiện nay Hà Nội bố trí khoảng 2.300 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách để trợ giá cho xe buýt. Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh, Hà Nội cần bố trí thêm khoảng 8.300 tỷ đồng cho giai đoạn 2024-2033, tương đương 831 tỷ đồng mỗi năm.
Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt đang khai thác, vận hành, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. 11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch.
Ngân sách có đáp ứng được không?
Tại hội nghị phản biện Đề án mới đây, ông Phạm Ngọc Thảo, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, nói đơn vị chủ trì soạn thảo Đề án cần làm rõ khả năng ngân sách đáp ứng, cân nhắc tiến độ phù hợp. Nếu đề ra việc chuyển đổi nhanh quá, số lượng xe chuyển đổi lớn quá, sợ không làm được.
Nguyên Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho rằng hàng năm, Hà Nội đang mở mới 10 – 15 tuyến buýt, tương đương với khoảng 200 xe phải đầu tư mới theo công nghệ năng lượng xanh. Cùng với đó, hàng chục tuyến buýt cũng phải đấu thầu lại hằng năm, liệu có thay xe theo công nghệ mới không.
Nếu thay mới các xe này, theo ông Viện, cần phải tính tới kinh phí, cả về việc trợ giá của thành phố. Hiện nay, thành phố đang trợ giá cho xe buýt khoảng 2.000 tỷ/năm. Nếu chuyển đổi sang nhiên liệu sạch, việc trợ giá cho xe buýt sẽ tăng lên khoảng 4.000 tỷ/năm. “Như vậy, ngân sách có đáp ứng được không”, ông Viện nêu.
Ngoài ra, theo ông Viện, các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này liệu có đáp ứng được về tài chính để chuyển đổi phương tiện, đặc biệt là Tổng công ty vận tải Hà Nội – hiện đang chiếm số lượng 2/3 số xe buýt của thành phố, liệu có đủ nguồn lực để làm không?
“Quan trọng hơn là phải xác định về cơ sở hạ tầng, cơ sở bảo dưỡng. Quy trình hiện nay là xe buýt về bến là phải kiểm tra để hôm sau có thể chạy được. Vậy khi lên tới 1.000 xe, 10.000 xe, cơ sở bảo trì, bảo dưỡng, bảo hành có đảm bảo được không?”, ông Viện nói.
Từ khóa xe buýt xanh Hà Nội