TP. Hà Nội đang nghiên cứu hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng trong Vành đai 1 sang xe điện từ tháng 7/2026, kèm theo phát triển hạ tầng giao thông xanh.

ha noi ho tro chuyen doi 450 000 xe may xang trong vanh dai 1
TP. Hà Nội đang nghiên cứu hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy xăng trong Vành đai 1 sang xe điện từ tháng 7/2026. (Ảnh minh họa: Hafiz Johari/shutterstock)

Ngày 15/7, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng trong khu vực Vành đai 1 để chuyển sang xe điện, theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ban hành ngày 12/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị yêu cầu Hà Nội hạn chế xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, tiến tới hạn chế xe máy và ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và 2 từ ngày 1/1/2028, và mở rộng ra Vành đai 3 từ năm 2030.

Vành đai 1 là trục chính đô thị dài 7,2 km, đi qua các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, và Đống Đa, bao gồm các tuyến đường như Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn, Ô Chợ Dừa, Đê La Thành, Hoàng Cầu, Cầu Giấy, Bưởi, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, và Nguyễn Khoái.

Để hỗ trợ người dân, thành phố “cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân sinh sống và thường xuyên di chuyển trong khu vực Vành đai 1”. Ngoài ra, Hà Nội sẽ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh để đáp ứng nhu cầu đi lại.

Cụ thể, thành phố dự kiến tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ) và xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị. Hiện tại, hai tuyến Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – Ga Hà Nội đã hoạt động trong khu vực Vành đai 1, và các tuyến Hồ Tây – Hòa Lạc, Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ được triển khai trong giai đoạn tới.

Về hạ tầng năng lượng, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các trạm sạc điện cho ô tô, xe máy điện, và các phương tiện sử dụng năng lượng sạch. Trước mắt, các trạm sạc sẽ được ưu tiên bố trí tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe, và trong các tòa nhà dân cư để đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Kế hoạch này nằm trong lộ trình dài hạn của Hà Nội, khởi đầu từ Nghị quyết số 04 ngày 4/7/2017 của HĐND TP. Hà Nội, nhằm hạn chế xe máy tại các quận cũ đến năm 2030. Thành phố cũng đã giao các đơn vị chuyên môn xây dựng đề án phân vùng hạn chế xe máy và nâng cao năng lực vận tải công cộng.

Kim Long