Từ năm 2025, khu vực phát thải thấp sẽ được thí điểm tại một số khu vực quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm. Các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel bị cấm lưu thông, xe ô tô, xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cũng bị hạn chế hoặc cấm.

ha noi ho tro doi xe may cu thi diem vung phat thai thap tu nam 2025
Đám đông đi xe máy tại khu vực gần Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tháng 7/2023. (Ảnh: Nelson Antoine/Shutterstock)

Sáng 12/12, trong chương trình kỳ họp thứ 20, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn TP. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo nội dung nghị quyết nói trên, vùng phát thải thấp được xác định theo 3 tiêu chí, gồm: (1) thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D – F theo TCVN 13592:2022 đường đô thị – yêu cầu thiết kế; (3) chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT) đối với các thông số chính: SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng TSP; bụi PM10, bụi PM2,5.

UBND cấp huyện được giao lập đề án vùng phát thải thấp phù hợp với đặc thù và năng lực của địa phương.

Đối với vùng phát thải thấp, chỉ cho phép lưu thông đối với các loại xe không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền.

Cấm lưu thông đối với các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel; hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực;

Chính quyền TP sẽ đề xuất các giải pháp để hạn chế xe gây ô nhiễm vào vùng phát thải thấp, bao gồm ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp; chính sách hỗ trợ những người sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp, các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải.

Đồng thời, TP đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách TP và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng phát thải thấp; đưa ra các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.

Về lộ trình thực hiện, từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực tại quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực trong TP. Hà Nội có một trong các tiêu chí xác định vùng phát thải thấp phải thực hiện theo quy định.

Hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe mới hoặc xe điện

Vào chiều 11/12, tại phiên chất vấn của HĐND TP., Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho hay nghị quyết vùng phát thải thấp có mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm để cải thiện chất lượng không khí.

Theo ông Thanh, sau khi HĐND TP. Hà Nội thông qua nghị quyết, UBND TP. Hà Nội sẽ nghiên cứu phương án để giảm thiểu xe máy chạy bằng xăng, dầu trong khu vực phát thải thấp.

“Thành phố sẽ làm việc với các nhà sản xuất có chương trình giảm giá, hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe máy mới hoặc xe điện để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong thành phố”, ông Thanh nói.

Hai quận trung tâm là Ba Đình và Hoàn Kiếm được chọn để thí điểm vùng phát thải thấp từ năm 2025, từ năm 2031 trở đi sẽ áp dụng cho hầu hết các quận.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016-2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố hồi trung tuần tháng 11/2024, nồng độ bụi PM 2.5 trung bình hằng năm tại Hà Nội vượt gần hai lần quy chuẩn quốc gia. Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức kém và xấu chiếm 30,5%.

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là khung giờ đi làm buổi sáng (6-8h) và tan tầm buổi chiều (17-19h).

Có 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội, gồm phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp.

Nguồn phát thải lớn nhất là hoạt động giao thông. Theo số liệu năm 2019, tổng phát thải bụi PM 2.5 từ các nguồn là hơn 30.000 tấn, hơn 50% số này đến từ nguồn thải tại chỗ; hoạt động giao thông, bụi đường chiếm tỷ lệ lớn nhất, 56%. Nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội) xác định khí thải xăng và dầu diesel từ giao thông đóng góp 46% lượng bụi siêu mịn và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ xe máy chiếm hơn 90% vào tổng mức phát thải từ giao thông. Xe máy là nguồn phát thải lớn nhất, tiếp theo là xe tải hạng nặng, xe buýt và xe tải hạng nhẹ.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải thành phố, Hà Nội có 1,1 triệu xe ô tô, hơn 6,9 triệu xe máy; 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn.

Nguyễn Quân