Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội: Đến 2025, 100% rác thải sinh hoạt được đốt phát điện
- Nguyễn Quân
- •
“Cơ bản đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đốt phát điện theo công nghệ mới. Chúng ta sẽ tập trung xử lý phần rác thải xây dựng”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội – ông Lê Thanh Nam nói trong buổi đối thoại với thanh niên Thủ đô, ngày 14/10.
Hội nghị đối thoại với thanh niên Thủ đô với chủ đề: “Thanh niên tham gia xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại” được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên TP. Hà Nội lần thứ 8, nhiệm kỳ 2024-2029.
Trong phần đối thoại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội – ông Lê Thanh Nam trả lời cho câu hỏi giải pháp gì góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Hà Nội do Bí thư quận đoàn Ba Đình Phạm Thu Phương nêu.
Ông Nam cho hay hiện thành phố có 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, trên 8 triệu xe gắn máy và ôtô; mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu… “Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí”, ông Nam nói.
Để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, ông Nam cho hay thành phố đang triển khai 5 giải pháp chính gồm: Cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ, sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước; chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô.
Ông Nam cho biết nhiều năm nay, thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp cải thiện ô nhiễm môi trường; trong đó, đang triển khai 5 nhóm giải pháp chính, gồm (1) cải tạo và bảo vệ môi trường đô thị như xử lý ô nhiễm các hồ nước và hệ thống sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước…; (2) chuyển đổi năng lượng sang năng lượng và phát triển đô thị thông minh; (3) đầu tư vào hạ tầng đô thị xanh, thông minh; (4) phát triển không gian công cộng, không gian xanh theo mô hình đô thị vệ tinh; (5) phổ biến Luật Thủ đô 2024, trong đó có nhiều cơ chế đặc thù về phát triển hạ tầng giao thông, xử lý chất thải rắn…
“Cơ bản đến năm 2025, 100% rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố được đốt phát điện theo công nghệ mới. Chúng ta sẽ tập trung xử lý phần rác thải xây dựng” – ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, từ năm 2025, Hà Nội sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm bị hạn chế. Thành phố chủ trương phát triển các tuyến đường dành riêng cho xe buýt điện và các loại xe phát thải thấp, phát triển giao thông công cộng nhằm điều tiết lưu lượng giao thông và giảm khí thải.
“Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường phải có sự liên kết vùng, liên kết với các tỉnh bạn để hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm”, ông Nam nhận định, trong đó quan trọng nhất là cần xây dựng ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Trung bình mỗi ngày tại Hà Nội, gần 7.000 tấn rác thải được thu gom (tương đương gần 0,8kg/người/ngày), bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết hồi tháng 3/2024. Số lượng rác thu gom tăng 5-10%/năm. Tuy nhiên, rác không được tái sử dụng, tái chế nguyên liệu.
Tại một diễn đàn diễn ra vào cuối tháng 2/2024, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tại Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon bị thải ra mỗi ngày.
Dù chiếm khoảng 8- 12% chất thải rắn sinh hoạt, chỉ khoảng 11- 12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Lưu lượng xe trên các tuyến đường Hà Nội đã vượt quá ngưỡng thiết kếTrao đổi sâu thêm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Phi Thường cho biết trong khoảng 8 triệu phương tiện tại Hà Nội, có 1,2 triệu ô tô. Tốc độ tăng phương tiện cá nhân mỗi năm 4-5%, riêng ô tô tăng 10%. Trong khi đó, tốc độ tăng hạ tầng giao thông của thành phố chỉ khoảng 0,28%. Sau nhiều dự án đầu tư hạ tầng, hiện tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt hơn 12%, kém xa so với mục tiêu quy hoạch giao thông vận tải đạt 16-20%. “Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường vượt quá ngưỡng thiết kế”, ông Thường nói. Thành phố còn 33 điểm ùn tắc. Đầu tư hệ thống đường sắt đô thị giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. nhận định. Theo quy hoạch trước đây thành phố có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng số 417 km. Hiện nay, thành phố điều chỉnh quy hoạch giao thông, nâng lên 14 tuyến đường sắt đô thị, với tổng chiều dài gần 600 km. Trước việc mới có 2 tuyến đi vào hoạt động gồm Cát Linh – Hà Đông và Nhổn – ga Hà Nội đoạn trên cao, ông Thường cho rằng hiện để làm một tuyến đường sắt đô thị mất 15-20 năm. Ngoài ra, chi phí làm đường sắt đô thị tốn kém, khoảng 100 triệu USD/km. Nếu làm 417km đường sắt đô thị như quy hoạch trước cần khoảng 40 tỷ USD, nếu làm 600km như dự kiến cần khoảng 50 tỷ USD. |
Nguyễn Quân
Từ khóa Ô nhiễm môi trường Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động xử lý rác thải rác thải sinh hoạt