Công an tỉnh Thanh Hóa đang điều tra hai nghi phạm người Trung Quốc liên quan vụ xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông tại khu di tích Lam Kinh, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

hai nghi pham trung quoc bi bat vi xam pham lang mo vua le tuc tong
Khu lăng mộ vua Lê Túc Tông (tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). (Ảnh: Minh Hoàng/laodong.vn)

Ngày 7/5, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản Thanh Hóa, cho biết đơn vị đang phối hợp với công an và các cơ quan liên quan để làm rõ vụ xâm hại lăng mộ vua Lê Túc Tông, thuộc quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Sự việc được phát hiện vào khoảng 21h30 ngày 3/5, khi cán bộ Ban Quản lý di tích lịch sử Lam Kinh kiểm tra khu lăng mộ và nhận thấy nhiều dấu vết bất thường.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện một cây săm kim loại (loại chuyên dùng để thăm dò cổ vật) cắm sâu khoảng 5 m dưới lòng đất, cách tường bao lăng mộ 8-10 m. Cây săm gồm 10 đoạn nối bằng gen tiện.

Ngoài ra, còn có chai nước lọc, dép tông xốp và một điện thoại di động hiển thị tiếng Trung, kèm thẻ chứng nhận thân phận ghi thông tin một người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc. Trung tâm đã bàn giao tang vật cho công an để khám nghiệm hiện trường và điều tra.

hai nghi pham trung quoc bi bat vi xam pham lang mo vua le tuc tong 1
Hai người Trung Quốc bị bắt giữ. (Ảnh: conganquangninh.gov.vn)

Đến chiều ngày 4/5, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ hai nghi phạm là Deng Zhui (SN 1984, số hộ chiếu EN7117797) và Shen Jiang Yang (SN 1982, số hộ chiếu EK0544073), đều trú tại Quảng Tây, Trung Quốc.

Hai người này bị bắt khi đang bắt taxi ra Móng Cái, cách hiện trường gần 400 km, nghi tìm cách vượt biên về nước.

Công an đã di lý cả hai về Thanh Hóa để thực nghiệm hiện trường, với nghi vấn phạm tội xâm hại thi thể, mồ mả, hài cốt. Động cơ và thủ đoạn cụ thể chưa được công bố.

Theo nhà chức trách, từ đầu năm 2025, hai người đàn ông này đã đến TP. Thanh Hóa, thuê xe máy tự lái để tham quan khu di tích Lam Kinh và dò xét các lăng mộ, trong đó có lăng mộ vua Lê Túc Tông. Có khả năng sau khi khảo sát địa hình, nhóm này đã lợi dụng đêm khuya ngày 3/5 để thực hiện hành vi xâm hại. Hiện chưa ghi nhận dấu hiệu đào bới tại lăng mộ vua Lê Túc Tông hay các lăng mộ khác trong khu di tích Lam Kinh.

Lăng mộ vua Lê Túc Tông nằm trên một sườn đồi thoai thoải ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, cách trung tâm khu di tích Lam Kinh khoảng 4 km. Ngôi mộ có niên đại 520 năm, từng bị hủy hoại trong quá khứ, chỉ còn gạch vồ xếp quanh gò đất.

Năm 1997, lăng mộ được tôn tạo với kích thước 4,5 m x 4,5 m x 1 m, xây bằng gạch và trát xi măng. Gần lăng mộ là bia Kính Lăng, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020.

Vua Lê Túc Tông, tên thật Lê Thuần, sinh năm 1488, là con trai thứ ba và đích tử của vua Lê Hiến Tông. Mẹ ông là Trang Thuận Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Ngọc Hoàn, quê ở tỉnh Hưng Yên. Thông minh và hiếu học, ông được lập làm Hoàng thái tử dù không phải con trưởng. Tháng 7/1504, sau khi vua Lê Hiến Tông qua đời, Lê Thuần lên ngôi, lấy niên hiệu Thái Trinh.

Tuy nhiên, tháng 12/1504, ông đột ngột bệnh nặng và băng hà ngày 12/1/1505, hưởng dương 17 tuổi, tại vị chỉ 6 tháng.

Do không có con nối dõi, ông chỉ định anh trai Lê Tuấn lên ngôi, tức vua Lê Uy Mục. Tháng 3/1505, linh cữu vua Lê Túc Tông được đưa về Lam Kinh an táng tại Kính Lăng.

Minh Long