Hải Phòng: Hai bệnh nhi mắc COVID-19 bị thủng dạ dày, nghi do lạm dụng thuốc
- Minh Sơn
- •
Được đưa đến cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm sốt, nôn khi đang mắc COVID-19, hai bệnh nhi ở Hải Phòng được chẩn đoán bị thủng dạ dày. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị thủng dạ dày có liên quan đến việc lạm dụng thuốc.
Theo tin từ Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, ngày 22/2, các bác sĩ của bệnh viện đã hội chẩn từ xa một bệnh nhi 10 tuổi dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhi bị đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèm sốt, nôn 1 ngày; qua chụp Xquang, có hình ảnh liềm hơi dưới vòm hoành 2 bên , nghi ngờ thủng tạng rỗng. Bệnh nhi được yêu cầu chuyển gấp lên Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng để điều trị.
Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày/nhiễm Sars-CoV-2. Trẻ sau đó được cấp cứu phẫu thuật nội soi khâu lỗ thủng dạ dày, làm sạch, dẫn lưu ổ bụng tại phòng mổ Áp lực âm của khu điều trị COVID-19.
Cùng ngày 22/2, bệnh viện này đã xử trí thêm 1 một bệnh nhi (tên là N.Đ.P, 5 tuổi) vào viện với triệu chứng đau bụng dữ dội vùng trên rốn kèn nôn giờ thứ 12.
Bệnh nhi này đã được đưa tới khám tại 1 bệnh viện quốc tế tuyến dưới và được chẩn đoán: Theo dõi tắc ruột/Theo dõi thủng tạng rỗng. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, bệnh nhi được chẩn đoán: Thủng dạ dày/nhiễm Sars-CoV-2, được phẫu thuật cấp cứu.
Sau khi mổ, 2 bệnh nhi được tiếp tục điều trị thủng dạ dày song song với điều trị Sars-CoV-2; tình trạng sức khỏe hiện tại đều ổn định, tiến triển tốt.
Theo Ths.BsCKI Nguyễn Minh Hải – Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng), thủng dạ dày ít gặp ở trẻ em, dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh lý ngoại khoa cấp tính khác như viêm ruột thừa, tắc ruột. Người bị thủng dạ dày phải được cấp cứu khẩn cấp, nếu không có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Triệu chứng của tình trạng thủng dạ dày chủ yếu gồm: đau bụng dữ dội vùng trên rốn, nôn, kích thích dữ dội…, khi đến muộn có biểu hiện sốt, cơ thành bụng co cứng và chướng dần, nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa phủ tạng…
Nguyên nhân thủng dạ dày do viêm loét dạ dày – tá tràng gồm 3 nhóm nguyên nhân:
- Sang chấn tâm lý – Stress (nguyên nhân này thường gặp ở người lớn)
- Sử dụng thuốc chống viêm không Steroid không đúng cách
- Đặc biệt là viêm loét dạ dày – tá tràng do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) đang có xu hướng ngày càng gia tăng do thói quen ăn uống không khoa học.
Với hai ca bệnh nhi nói trên, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị thủng dạ dày có liên quan việc sử dụng thuốc khi trẻ mắc COVID-19.
Theo bác sĩ, các thuốc chống viêm không Steroid (presnisolone, dexamethazon…) thường thấy trong các gói thuốc không nhãn mác mà một số hiệu thuốc tự bán cho bệnh nhân mà không có đơn thuốc của bác sĩ.
Bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên lạm dụng thuốc, tự ý sử dụng các thuốc chống viêm không Steroid (presnisolone, dexamethazon…) khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, các phụ huynh nên tập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học (không bỏ bữa sáng, không ăn quá nhiều đồ chua cay); không cho trẻ không thức khuya quá; tránh quá gây áp lực về kết quả học tập cho trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, các phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Theo thông tin từ Trung tâm DI & ADR Quốc gia, Trường Đại học Dược Hà Nội, các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng phổ biến để giảm đau và hạ sốt trong nhiều tình trạng khác nhau như đau đầu, viêm khớp, cảm cúm. Thời gian sử dụng thuốc kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gặp biến cố bất lợi như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, độc tính trên gan, bệnh lý tim mạch. Các thuốc NSAID được chia thành 2 nhóm, gồm nhóm sử dụng không cần kê đơn (over-the-counter – OTC) và nhóm sử dụng cần được kê đơn. Các chế phẩm thuộc nhóm OTC có hàm lượng hoạt chất thấp hơn chế phẩm cần kê đơn. Tất cả các thuốc trong 2 nhóm đều được khuyến cáo sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tác dụng bất lợi. |
Minh Sơn
Từ khóa bệnh nhi mắc COVID-19 thủng dạ dày lạm dụng thuốc