H&M hứng chịu chỉ trích ở Việt Nam sau khi bị cáo buộc sửa bản đồ có hình lưỡi bò
- Gia Huy
- •
Nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đang phải đối mặt với một cuộc phản đối mới, lần này là từ những người dùng mạng xã hội ở Việt Nam với cáo buộc rằng hãng này đã “quỳ gối” trước Trung Quốc liên quan đến bản đồ các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông.
Vụ phản đối bùng lên từ hôm thứ Sáu, khi chi nhánh Thượng Hải của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết họ đã được công chúng cảnh báo về một “bản đồ có vấn đề về Trung Quốc” trên trang web của H&M.
Tuy Cục Quản lý Trung Quốc không nêu rõ “vấn đề” đó là gì, nhưng trên Weibo đã xuất hiện hình ảnh từ một báo cáo trước đó của Nhân dân Nhật báo, cho thấy cái gọi là đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) – dấu hiệu mà Bắc Kinh thường sử dụng để tuyên bố bất hợp pháp về chủ quyền của khoảng 90% ở Biển Đông.
Theo cơ quan giám sát không gian mạng, văn phòng kế hoạch và tài nguyên thiên nhiên thành phố Thượng Hải đã ra lệnh khắc phục “lỗi” ngay lập tức và H&M đã tuân thủ. Không có chi tiết hay hình ảnh nào về “lỗi” trước và sau khắc phục của H&M.
H&M từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, mặc dù chưa rõ ràng về các “lỗi bản đồ” đã được sửa như thế nào, nhưng sự giận dữ của cư dân mạng Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng, cáo buộc H&M đã “quỳ gối” trước Trung Quốc.
“Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Thương hiệu H&M hiện đang chống lại luật của tất cả người châu Á. Chúng tôi chiến đấu vì chúng tôi phải chiến đấu,” H.L.T, một người dùng Việt Nam viết trên mạng xã hội hôm 3/4, theo SCMP
“H&M ngu ngốc, sao dám làm vậy! HOÀNG SA TRƯỜNG SA THUỘC VỀ VIỆT NAM !!! Cút khỏi đất nước của chúng tôi đi H&M !!” một bài viết khác đăng tải và được nhiều người hưởng ứng.
Trên website H&M tại Trung Quốc (hm.com.cn), hiện không thấy bản đồ nào. Còn trên website H&M toàn cầu (hm.com), bản đồ tích hợp Google map không hiển thị hình lưỡi bò.
Tuy vậy, tại Trung Quốc, nhiều hãng tên tuổi đã tích hợp bản đồ Baidu trong phần tìm kiếm cửa hàng ở website dành riêng cho thị trường Đại lục, do vậy đều hiển thị hình lưỡi bò. Có thể kể tên các thương hiệu này, bao gồm Adidas, Uniqlo, Zara, Gucci, BMW, Mercedes, Louis Vuitton, Chanel v.v.
Tại Việt Nam, H&M đang vận hành 11 cửa hàng, con số rất nhỏ so với 520 cửa hàng ở Trung Quốc.
H&M cũng đã bị phản đối ở Trung Quốc vào cuối tháng trước vì một tuyên bố của họ vào năm 2020, nói rằng họ không dùng nguyên liệu bông từ Tân Cương vì nghi ngờ sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ.
Một loạt các thương hiệu toàn cầu khác, bao gồm Nike và Burberry, cũng tuyên bố tương tự và bị các “tiểu phấn hồng” Trung Quốc kêu gọi tẩy chay.
Nhiều chính phủ nước ngoài và các nhóm nhân quyền đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương, cũng như vận hành các trại giam giữ hơn 1 triệu người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, chủ yếu là Hồi giáo.
Tuần trước, H&M cho biết họ muốn lấy lại lòng tin của khách hàng tại Trung Quốc.
“Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi và cam kết lâu dài của chúng tôi với đất nước này vẫn rất mạnh mẽ. Chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng nghiệp của mình ở Trung Quốc để làm mọi thứ có thể để quản lý những thách thức hiện tại và tìm ra con đường phía trước,” H&M nói.
Gia Huy
Xem thêm:
Từ khóa đường lưỡi bò bông Tân Cương tẩy chay H&M